Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện có gần 1.100 hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà với tổng kinh phí trên 74,6 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của các tổ chức, nhà hảo tâm. Huyện hỗ trợ thêm 10 tấn xi măng cho mỗi công trình nhà ở xây mới. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng tạo điều kiện cho hộ nghèo và cận nghèo đủ điều kiện được vay tối đa 40 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, thời hạn 15 năm để xóa nhà dột nát. Huyện phấn đấu 100% số lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm...
Tại huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, gia đình chị Nông Thị Thảo, xóm Khang Thượng, xã Bình Yên, thuộc diện hộ nghèo. Bản thân chị bị bệnh nan y, nuôi con nhỏ đang tuổi đi học, kinh tế hầu như phải dựa vào người thân hỗ trợ. Chị được gia đình chia cho hơn 1 sào đất vườn bãi luân canh trồng ngô và cỏ chăn nuôi.
Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, chính quyền xã, huyện đã hỗ trợ bò giống để chị chăn nuôi, phát triển kinh tế. Cán bộ khuyến nông huyện Định Hoá và Tổ sản xuất cộng đồng của xã Bình Yên đã tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò sinh sản cho chị Thảo trước khi gia đình nhận bò.
Tháng 12/2023, sau khi được cơ quan chức năng phê duyệt hỗ trợ kinh phí mua bò giống, chị Thảo đã tìm đến gia trại chăn nuôi bò tại xã Điềm Mặc để đặt mua con giống khoẻ mạnh và ưng ý nhất. Ngay sau đó, cơ quan chuyên môn của huyện tiến hành xác minh, thẩm định, tiêm phòng dịch bệnh và thanh toán trực tiếp khoản tiền hỗ trợ theo quy định.
Đến tháng 3/2024, sau 3 tháng chăm sóc, bò khỏe mạnh và đã mang thai, dự kiến cuối năm nay sinh bê con. Được quyền quyết định lựa chọn vật nuôi và con giống, chị Thảo rất vui. Chị nói cuối năm khi có thêm bê con, chị tiếp tục nhân đàn để bán, tăng thu nhập cho gia đình.
Là một trong những xã còn khó khăn của huyện Định Hóa, Phú Đình được thụ hưởng nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước về con giống, cây trồng để phát triển sản xuất, nâng cao mức sống. Trong đó, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản từ Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần trực tiếp vào kết quả giảm nghèo tại địa phương.
Tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, anh Trần Đình Tuý được hỗ trợ một con bò giống. Gia đình anh Tuý là hộ mới thoát nghèo năm 2023, nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật chăm sóc, con bò thuộc dự án của gia đình anh Túy đã sinh được 1 con bê con. Anh cho biết gia đình mới thoát nghèo, không có vốn chăn nuôi, sản xuất, giờ đây anh đã có 2 con bò. "Đây là điều kiện tốt để gia đình tôi vươn lên”, anh chia sẻ.
Tại huyện Định Hoá nơi anh Tuý hay chị Thảo sinh sống có 17 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 73%. Xuất phát điểm là huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều rất cao, Định Hoá phải nỗ lực vượt bậc để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, nghèo đa chiều, góp phần xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Từ việc xác định được nguyên nhân nghèo cụ thể, huyện Định Hóa đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo; tập trung giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm ở các hộ thiếu hụt các chiều tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Ví dụ, tại xã Phú Đình, năm 2023, trên địa bàn toàn xã có 10 hộ dân thuộc hai xóm đặc biệt khó khăn là Khuôn Tát và Nạ Tẩm được hỗ trợ con giống và đầu tư chăn nuôi bò sinh sản từ Dự án thuộc Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững. Mỗi hộ dân được nhận một con bò giống, trong đó Nhà nước hỗ trợ 95% và người dân đối ứng 5% tiền con giống.
Ngay sau khi huyện có kế hoạch triển khai Dự án, địa phương đã tiến hành rà soát hộ nghèo theo các tiêu chí, họp các hộ dân để có thể lựa chọn đúng đối tượng hỗ trợ. Dự án được triển khai kịp thời và hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, là nền tảng để các hộ vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Dự án, người chăn nuôi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ; cách làm chuồng trại, kỹ thuật chọn con giống, chăm sóc và phối giống cho bò... Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y xã thường xuyên tuyên truyền, giúp người dân tiêm phòng và phòng, chống đói rét cho đàn bò.
Đến nay, địa bàn huyện Định Hóa có rất nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: Chăn nuôi trâu, bò cái sinh sản; chăn nuôi bò cái Lai Shin sinh sản; chăn nuôi gà thả vườn đồi; Mô hình sản xuất chè phát triển du lịch nông sản, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp nhân dân thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, lồng ghép các chương trình, nguồn lực để thực hiện giảm nghèo, bình quân mỗi năm huyện Định Hóa giảm tỷ lệ hộ nghèo 4,2%, hộ cận nghèo giảm 3,85%, vượt xa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020-2025) là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm trên 1,2%, hộ cận nghèo trên 1%.
Riêng năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện giảm 6,3%. Năm 2024, địa phương đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 2,25% trở lên, trong đó: giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,4% trở lên, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,85% trở lên. Phấn đấu cuối năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều còn dưới 6,5%.