Việt Nam đã lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030, mà Thủ tướng đã phê duyệt là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam.

Tại tọa đàm do CLB nhà báo công nghệ thông tin tổ chức sáng 5/12, ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết, một trong những khó khăn của các nhà mạng khi triển khai tắt sóng 2G là vấn đề phát sinh các thuê bao 2G mới. 

Trên hệ thống kênh phân phối bán lẻ, vẫn có nhiều điểm bán thiết bị 2G cũ, tồn kênh. Còn nhiều điểm bán dòng máy 2G không chính thống dẫn đến khi khách hàng có nhu cầu mới, vô tình mua phải máy 2G”, ông Nguyễn Trọng Tính nói.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Phúc Khánh, Phó Ban công nghệ VNPT cho hay, trước những yêu cầu của Bộ TT&TT về việc không nhập khẩu thiết bị chỉ hỗ trợ 2G, VNPT đã xây dựng giải pháp, hệ thống. Dự kiến cuối năm nay VNPT sẽ không cho phép kết nối các thiết bị không tuân thủ quy định pháp luật.

W-tat-song-2g-viettel-2-1.jpg
Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom. Ảnh: Lê Anh Dũng

Khi được hỏi về vấn đề các thiết bị 2G trôi nổi trên thị trường, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, Thanh tra Bộ đã kiểm tra một số điểm bán thiết bị tại các tỉnh, thành phố. Trên thực tế, vẫn còn việc buôn bán các thiết bị 2G không được nhập khẩu chính thức, bên cạnh đó là các mẫu điện thoại 2G cũ. Cục Viễn thông sẽ tích cực truyền thông và phối hợp với các nhà mạng để rà soát thiết bị mới đăng ký hòa mạng. Điều này nhằm đảm bảo các thuê bao không đúng quy định sẽ không được phép hòa mạng mới. 

Hiện Cục Viễn thông đang cùng nhà mạng xây dựng giải pháp. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, không thể kiểm soát ngay IMEI của các thiết bị đầu cuối mà phải rà soát các dòng máy sản xuất trước 1/7/2021, sau đó xây dựng cơ sở dữ liệu,... 

Hiện chưa có thời điểm chính thức không cho thuê bao 2G hòa mạng mới. Cục Viễn thông sẽ sớm thông báo thời điểm này, nhằm tránh việc lưu thông các thiết bị 2G, cũng như để người dùng ý thức được việc dùng các dòng điện thoại này sẽ không được hòa mạng. 

W-tat-song-2g-nguyen-phong-nha-1.jpg
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, để chính sách đi vào cuộc sống là việc không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Chúng ta đang tính toán trung bình vòng đời của một thiết bị 2G là 3 năm, nhưng vẫn có những thiết bị hoạt động tốt với thời gian lâu hơn. 

Hy vọng với sự chung tay của cơ quan quản lý, các nhà mạng và địa phương, số lượng thuê bao 2G sẽ càng ngày càng ít đi, khi đến ngày tắt sóng 2G sẽ không còn các thuê bao 2G trên thị trường”, ông Nhã nói.

Trước đó, từ cuối năm 2020, Bộ TT&TT đã có Thông tư 43 quy định "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy nhập vô tuyến". 

Theo thông tư này, kể từ tháng 7/2021, các thiết bị không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật sẽ không được nhập khẩu, sản xuất trong nước.

Các thiết bị không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật nhập khẩu trái phép (nhập lậu) từ ngày 1/7/2021 cho đến nay cũng không được lưu thông, phân phối, mua bán trong nước. 

Các thiết bị không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật có thể kể đến là các máy điện thoại di động sử dụng công nghệ 2G, 3G hoặc sử dụng đồng thời công nghệ 2G và 3G nhưng không tích hợp công nghệ 4G.

Đến tháng 8/2023, Bộ TT&TT cũng đã có văn bản hướng dẫn 63 Sở TT&TT trên cả nước về việc kiểm tra hoạt động nhập khẩu, phân phối, lưu thông, mua bán thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất.

Bộ TT&TT đề nghị các Sở TT&TT chủ động rà soát, và dựa theo tình hình thực tế để lên kế hoạch kiểm tra chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh mô hình chuỗi, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh đơn lẻ, đảm bảo không còn máy điện thoại di động 2G Only, 3G Only lưu thông trên địa bàn.

Các Sở TT&TT tỉnh, thành phố cũng có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng quản lý thị trường, hải quan, công an... để kiểm tra, ngăn chặn việc mua bán, lưu thông máy điện thoại di động 2G Only, 3G Only vi phạm quy định.