Hôm 13/5 vừa qua, tàu cao tốc TPHCM-Côn Đảo chính thức khai trương. Đây là tuyến vận tải hành khách đường thuỷ đầu tiên xuất phát từ TPHCM ra Côn Đảo; trước đó khách chỉ có thể đi máy bay, hoặc từ TPHCM đến Vũng Tàu rồi đón tàu ra Côn Đảo. Giá vé tàu cao tốc từ 615.000 đồng đến 1,1 triệu đồng mỗi lượt, tuỳ hạng vé.

z5435629327427_29b53427ca08f7b228a4441e58f058f7.jpg
Tàu cao tốc TPHCM-Côn Đảo khai trương vào sáng 13/5 vừa qua. Ảnh: T.K.

Sau khai trương, chuyến đầu tiên từ TPHCM đi Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) chở khách từ đất liền ra đảo vào hôm 15/5 với hơn 300 hành khách. Tuy nhiên, cả hai chiều đi và về đã bộc lộ bất cập.

Cụ thể, theo phản ánh của hành khách, họ nghe thông báo khi đi tàu cao tốc TPHCM-Côn Đảo sẽ được trung chuyển miễn phí bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng về cảng Hiệp Phước. Do vậy, khi đặt vé họ đã không đăng ký di chuyển theo xe trung chuyển đến cảng Hiệp Phước.

Còn ở chiều về từ Côn Đảo-TPHCM, nhiều hành khách không đăng ký đi xe trung chuyển cũng không thể đặt được taxi, xe công nghệ do khoảng cách quá xa. Do đó, họ buộc phải chen chúc lên xe trung chuyển hoặc vật vờ chờ rất lâu mới có xe đón về lại công viên 23-9 (quận 1, TPHCM).

z5453078712520_a937225510f6b301409bae2c83950c9c.jpg
Hành khách chen chúc lên xe trung chuyển từ cảng Sài Gòn-Hiệp Phước về trung tâm TPHCM hôm 16/5. Ảnh: Đan Thư.

Liên quan đến nội dung trên, phía đại diện chủ đầu tư xác nhận có việc thiếu xe trung chuyển trong chuyến tàu đầu tiên vào 3 hôm trước (tối 16/5)

Theo đó, hơn 300 hành khách đi tàu cao tốc từ Côn Đảo trở về TPHCM tại cảng Sài Gòn-Hiệp Phước nhưng chỉ có 91 khách đăng ký đi xe trung chuyển về trung tâm thành phố.

Tuy nhiên, khi tàu về bến, rất nhiều khách không có xe, không đặt được xe nên đã lên xe trung chuyển. Vì vậy, những khách dù đã đăng ký trước nhưng không được lên xe.

Phía chủ đầu tư tiếp nhận thông tin đã điều thêm xe trung chuyển, đi từ công viên 23-9 ra cảng Sài Gòn-Hiệp Phước và giải thích với hành khách cần thời gian chờ thêm, vì xe đi phải hơn 30 phút.

Về vấn đề vì sao tàu cao tốc ở bến Bạch Đằng không trung chuyển, đại diện chủ đầu tư cho biết tàu này do Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP chỉ trung chuyển đối với khách mua vé qua hệ thống của họ. Còn phía chủ đầu tư chỉ có 1 điểm trung chuyển trên đường bộ, tại công viên 23-9.

Chủ đầu tư cho biết sẽ yêu cầu các đại lý tư vấn cho hành khách khi đi tuyến TPHCM-Côn Đảo nên lựa chọn xe trung chuyển về công viên 23-9. Bên cạnh đó, khi tàu cao tốc TP.HCM-Côn Đảo sắp cập cảng, công ty cũng sẽ liên hệ với các hãng taxi có phương án kết nối để hành khách có thể di chuyển từ cảng về nhà thuận tiện.

Ngoài ra, công ty cũng đang liên hệ với Công ty CP Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước để tạo điều kiện cho xe taxi được phép di chuyển vào tận trong cầu tàu, với chi phí hợp lý, giúp hành khách di chuyển thuận tiện hơn.

Còn ông Trần Song Hải, Giám đốc Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP (đồng thời là thành viên hội đồng quản trị Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc) cho biết, khu vực đậu tàu cao tốc ở cảng Sài Gòn-Hiệp Phước, xa trung tâm TPHCM sẽ có những bất tiện nhất định cho bà con. Tuy nhiên, tàu cao tốc chạy rất dễ gây sạt lở bờ, cho nên đưa tàu cỡ lớn vào trung tâm TPHCM là không phù hợp.

Ông Hải cho biết, đơn vị sẵn sàng trung chuyển theo phương án tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng ra cảng Sài Gòn-Hiệp Phước (và ngược lại), nhưng cần được các bên hỗ trợ. Người dân cần đặt mua vé ở bến Bạch Đằng, phía đơn vị mới biết ai cần đi và thông tin ra sao để trung chuyển. Tiếp đó, việc đưa rước khách từ bến Bạch Đằng đến cảng Sài Gòn-Hiệp Phước cần sự hỗ trợ pháp lý của chủ đầu tư và các bên liên quan mới có thể hoạt động đúng quy định.