Thông tin từ Phòng Phối hợp cứu nạn, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết trong tháng 10, đơn vị đã trực tiếp chỉ huy, điều hành các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn của Trung tâm; chủ trì, tham gia, phối hợp với các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn liên quan thực hiện tốt công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
Cụ thể, trong tháng 10 Trung tâm thu nhận tin báo 24 vụ tai nạn trên biển, trong đó: Báo nạn thật 23 vụ, chiếm 95,8%; Báo nạn giả 1 vụ, chiếm 4,2%. Trong 23 vụ việc báo nạn thật có 3 vụ việc tai nạn hàng hải liên quan đến tàu hàng, chiếm 13%; 20 tàu cá, chiếm 87%.
Tổng số người được cứu và hỗ trợ là 183 người (182 người Việt Nam và 1 người nước ngoài) với 8 phương tiện được hỗ trợ (7 tàu cá, 1 tàu hàng của Việt Nam).
Đáng lưu ý, trong tổng số 23 vụ cứu nạn, đã có 2 vụ buộc phải điều động tàu chuyên dụng SAR tìm kiếm, cứu nạn.
Vụ thứ nhất diễn ra ngày 13/10. Vào lúc 16h3’ ngày 13/10, do thời tiết xấu diễn ra trên diện rộng vùng biển miền Trung, tàu TH 90929 TS gồm 14 thuyền viên do ông Lê Xuân Dũng thường trú tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa làm chủ tàu kiêm Thuyền trưởng gấp rút di chuyển về bờ tránh trú, tuy nhiên khi đến vị trí 16º 09’ vĩ độ Bắc; 108º 20’ kinh độ Đông thì tàu bị phá nước do ảnh hưởng thời tiết, nước tràn nhiều vào tàu khiến tàu mất chủ động và chìm dần, 14 thuyền viên hoảng loạn chống chọi thời tiết khắc nghiệt với sóng cao trên 3m, gió giật, mưa to, nỗ lực tát nước cứu tàu.
Nhận thấy tình hình nguy hiểm, Thuyền trưởng Lê Xuân Dũng đã liên lạc với Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam (Cục Hàng hải Việt Nam – Bộ GTVT) yêu cầu được cứu nạn khẩn cấp.
Ngay sau khi nhận được thông tin báo nạn từ tàu TH 90929 TS, Trung tâm đã hướng dẫn thuyền viên thực hiện các biện pháp an toàn, hạn chế trôi dạt và các phương pháp chống chìm, đồng thời báo động toàn hệ thống sẵn sàng mọi phương tiện để triển khai ứng cứu.
Thực hiện chỉ đạo quyết liệt từ Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải huy động mọi nguồn lực, bằng mọi giá phải triển khai cứu nạn cho 14 thuyền viên đang trong tình trạng nguy cấp khi thời tiết chuyển biến ngày một xấu.
Trung tâm đã phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho tàu bị nạn đồng thời điều động tàu SAR 412 khẩn trương rời cầu thực hiện nhiệm vụ cứu nạn 14 thuyền viên tàu TH 90929 TS.
Vượt qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt bằng tốc độ hành trình nhanh nhất, lúc 18h10 cùng ngày, lực lượng cứu nạn hàng hải đã tiếp cận được tàu TH 90929 TS, triển khai các nhân viên cứu nạn lên tàu để bơm chống chìm và kết nối dây lai dắt đến tàu SAR 412.
14 thuyền viên được đưa lên tàu SAR 412 trong tình trạng kiệt sức, hoảng loạn và được các nhân viên cứu nạn chăm sóc y tế tích cực; tàu SAR 412 triển khai hỗ trợ lai dắt tàu TH 90929 TS thoát khỏi khu vực nguy hiểm, hành trình về đất liền để bảo toàn tài sản cho bà con.
Đến 21h4’ cùng ngày, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã đưa toàn bộ 14 thuyền viên cùng tàu TH 90929 TS về đến Đà Nẵng an toàn và bàn giao cho cơ quan chức năng theo quy định.
Đội ngũ kỹ thuật của Trung tâm tiếp tục hỗ trợ bà con khắc phục sự cố để trong thời gian sớm nhất có thể quay lại hành nghề.
Vụ thứ 2, xảy ra vào ngày 30/10, Trung tâm đã điều động tàu SAR 412 đi cứu nạn thành công 1 ngư dân bị tai biến, liệt nửa người bên trái, không nói được trên tàu cá QNg 98308 TS, đang hoạt động tại vị trí 15°52' Vĩ độ Bắc; 113°12' Kinh độ Đông (cách Đông Đông Nam Đà Nẵng khoảng 285 hải lý, thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa).
Tàu SAR là từ viết tắt của cụm từ "search and rescue", tức là tìm kiếm và cứu nạn. Với nhiều ngư dân miền Trung, từ lâu SAR 412 trở thành ân nhân cứu mạng trên biển.
Theo nhật ký cứu nạn của SAR 412 mới thấy được con tàu này đã đồng hành cùng ngư dân trên Biển Đông suốt nhiều năm qua. Trong đó, nhiều chuyến cứu nạn có thể nói là không tưởng trong điều kiện sóng biển cao 3 - 4 m, gió cấp 7 - 8.
Đây là tàu có tầm hoạt động 600 hải lý, được thiết kế phần khoang bằng vỏ thép, còn boong tàu bằng nhôm. Là tàu cứu nạn chuyên dụng, được trang bị đầy đủ các tính năng, phương tiện phục vụ cho công tác cứu hộ cứu nạn trên biển. Để phục vụ công tác liên lạc, tàu được trang bị máy vô tuyến radio telephone VHF của Furuno kiểu FM-8500; máy vô tuyến VHF cầm tay hiệu SRH kiểu 50.
Trên tàu được trang bị đầy đủ tiện nghi, với hệ thống ra đa hiện đại, có phòng khách, phòng ngủ, khu nhà bếp có tủ lạnh, máy rửa bát.
Và đặc biệt không thể thiếu của tàu cứu nạn là phòng chăm sóc y tế... Trong phòng có giường tiểu phẫu để thực hiện sơ cứu, cấp cứu cho những nạn nhân gặp nạn và một số giường bệnh.
Tàu được trang bị đầy đủ tủ thuốc y tế, các dụng cụ cần thiết để sơ cấp cứu như monitor để đo các thông số SPO2, nhịp thở, nhịp tim, mạch, huyết áp...
Ngoài ra, còn có máy khí rung, máy hút đầm dãi, máy đo nhiệt độ hồng ngoại, máy mở nội khí quản cho những người bị suy hô hấp, bị hen và một số bệnh mãn tính liên quan đến đường hô hấp, có chỉ chỉ tự tiêu, chỉ khâu cầm máu...
Hệ thống phao cứu sinh được trang bị dọc trên tàu với nhiều chủng loại. Trong đó, có phao Epird được dùng trong những trường hợp khẩn cấp khi tàu gặp sự cố. Khi tàu gặp sự cố, phao gặp nước sẽ tự động bung ra và phát tín hiệu báo nạn.