Sau gần một năm hoạt động, tàu điện Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đã trở thành phương tiện di chuyển quen thuộc của nhiều người ở Hà Nội, đặc biệt là dân văn phòng, công sở.
Khác với một số tuyến xe buýt khá vắng, tàu Cát Linh - Hà Đông lại đông đúc vào giờ cao điểm. Ghế ngồi không còn chỗ. Dọc toa, cảnh hành khách đứng chen chúc diễn ra thường xuyên.
Một chuyến tàu xuất phát từ ga Yên Nghĩa, chỉ ngay khi tới ga Văn Khê các khoang đã chật cứng người. Họ phần lớn là dân văn phòng, khi đến nơi làm việc thường ngồi một chỗ, không di chuyển nhiều.
Qua nút giao Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển, trong khi tàu ở trên vẫn chạy băng băng, khách có thể chợp mắt ngủ thì ở dưới, người đi ô tô, xe máy chen chúc vất vả.
“Ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến luôn là nỗi ám ảnh mỗi sáng sớm. Khoảng cách từ nhà đến cơ quan chỉ hơn 5km, tôi thường mất khoảng 1 tiếng. Từ khi tàu điện đi vào hoạt động, tôi gần như đã từ bỏ việc đi xe máy đến công ty, tiết kiệm được nhiều thời gian hơn", anh Đặng Ngọc Sơn nói.
Nhà cách ga Phùng Khoang chỉ 5 phút đi bộ, chị Trần Bích Thủy (41 tuổi) đã duy trì thói quen sử dụng tàu điện để đi làm được gần một năm nay. "May mắn cơ quan và nhà tôi đều nằm trên trục đường này. Tôi đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí mà đi lại rất nhanh, không bị ùn tắc giao thông", chị nói.
"Trước tôi cũng băn khoăn vì từ ga tới công ty còn khá xa. Sau khi biết được phép mang xe đạp gấp lên tàu tôi mới mạnh dạn đăng ký vé tháng", người phụ nữ trong ảnh nói.
Hình ảnh lối lên xuống tại một nhà ga thuộc tuyến đường sắt
Vào giờ tan tầm, hàng trăm hành khách đứng chờ tàu.
Lên ga Láng để trở về nhà sau ngày làm việc, chị Hoàng Linh (25 tuổi) chia sẻ: "Cảm giác xuống đường dưới kia vật lộn với các phương tiện thấy mệt mỏi, giờ được đi tàu điện thấy thích hơn bao nhiêu".
Chỉ khi đến tối, cảnh vắng vẻ ở các ga mới xuất hiện trở lại.