Theo Pravda và Sky News, các tấm ảnh do Nhóm Tình báo xung đột (CIT) chia sẻ cho thấy những cái lỗ lớn ở phần mũi và thân tàu ngầm. CIT nhận xét, điều đó cho thấy tàu ngầm Nga có khả năng đã bị bắn trúng 2 lần.
Defense Express cho rằng, với những hư hại như trên, việc sửa chữa tàu Rostov-on-Don sẽ mất nhiều năm và tiêu tốn hàng trăm triệu USD.
Ngày 13/9, chính quyền Sevastopol thông báo, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại xưởng đóng tàu ở vùng Kilen-Balka. Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết, một cuộc tấn công tên lửa và xuồng không người lái đã xảy ra tại khu vực này.
Cùng ngày, Tướng Mykola Oleshchuck - Tư lệnh không quân Ukraine đã cảm ơn các phi công vì những việc họ làm tại Sevastopol.
Đức viện trợ thêm 400 triệu Euro cho Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 18/9 tuyên bố, Đức sẽ cung cấp cho Ukraine số vũ khí và viện trợ trị giá 400 triệu Euro.
Trả lời tờ Bild, ông nói: "Chúng tôi sẽ cấp thêm đạn dược gồm đạn nổ, đạn súng cối, pháo chống mìn cho Ukraine. Do mùa đông đang tới gần, Đức sẽ gửi cả quần áo, máy phát điện và lò sưởi... Tổng cộng, gói viện trợ sẽ có giá trị 400 triệu Euro".
Ông nói thêm, gói viện trợ không bao gồm tên lửa Taurus vì Đức chưa quyết định có gửi chúng cho Kiev hay không. Ukraine đã kêu gọi Đức cung cấp Taurus, song Berlin lo ngại các tên lửa tầm xa này có thể được dùng để tấn công lãnh thổ Nga.
Trước đó, phát biểu hôm 23/8, Ngoại trưởng Annalena Baerbock nói, Đức đã viện trợ cho Ukraine hơn 22 tỷ Euro, từ lều trại, máy phát điện tới xe tăng và hệ thống phòng không. Đức là nước cung cấp vũ khí nhiều thứ hai cho Ukraine, chỉ sau Mỹ.