Theo 19Fortyfive, trong ngày 28/7, công ty Cochin Shipyard Ltd. đã bàn giao tàu sân bay bản địa đầu tiên, INS Vikrant cho hải quân Ấn Độ. Tàu sân bay được đặt hàng theo thiết kế của Bộ Quốc phòng Ấn Độ sẽ chính thức bắt đầu làm nhiệm vụ từ ngày 15/8.
Thực tế, tàu sân bay mới của hải quân Ấn Độ không phải là mẫu hạm đầu tiên được mang tên Vikrant (Dũng cảm), chiếc Vikrant nguyên bản được chế tạo vào năm 1961, là tàu sân bay đầu tiên của hải quân Ấn Độ. Sau khi chiếc Vikrant nguyên bản không còn trong biên chế, hải quân Ấn Độ chỉ còn một mẫu hạm duy nhất là Vikramaditya, được mua lại và tân trang cách đây hơn 30 năm.
Bên cạnh đó, dù được coi là có đủ năng lực tự thiết kế và đóng mới một con tàu sân bay hiện đại, song "Vikrant mới" cũng là tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ, với 76% vật liệu và phụ tùng sản xuất trong nước. Vì những nguyên nhân này, hải quân Ấn Độ coi Vikrant là mẫu hạm "mở ra tương lai đầy tự hào" cho quốc gia. Đây cũng là tàu lớn nhất, phức tạp nhất từng được thiết kế và đóng ở Ấn Độ.
"Tài sản không gì so sánh được" của hải quân Ấn Độ có chiều dài 262m, rộng 62m, lượng choán nước khoảng 40.000 tấn, tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ, tầm hoạt động lên tới 7.500 hải lý. Với kích thước ấn tượng của mình, Vikrant sở hữu hơn 2.000 khoang chức năng, có thể mang theo thủy thủ đoàn 1.700 người.
Sàn tàu sân bay của Vikrant sử dụng thiết kế STOBAR, tức sử dụng cầu nhảy để rút ngắn khoảng cách cần thiết để cất cánh và hạ cánh bằng hệ thống dây hãm. Thiết kế này khiến cho các lựa chọn tiêm kích của mẫu hạm này bị hạn chế đôi chút, 2 cái tên đang cạnh tranh cho các vị trí cất cánh trên Vikrant là F-18 của Mỹ và Rafale của Pháp.
Không phức tạp như việc lựa chọn tiêm kích, các trực thăng làm nhiệm vụ trên tàu sân bay Vikrant là trực thăng cảnh báo sớm Kamov-31 và trực thăng đa nhiệm MH-60R Seahawk. Bên cạnh sức mạnh tác chiến, mẫu hạm mới của Ấn Độ còn được đánh giá cao nhờ hệ thống radar hiện đại, có thể phát hiện các mối nguy cả trên biển lẫn trên không từ khoảng cách xa.
Theo các chuyên gia quân sự, INS Vikrant sẽ giúp Ấn Độ tăng cường sự hiện diện, thể hiện sức mạnh lớn hơn ở Ấn Độ Dương, đồng thời trở thành công cụ đối phó với bất kỳ nguy cơ nào trong tình huống khủng hoảng. Ngoài ra, hải quân Ấn Độ còn đang lên kế hoạch đóng một tàu sân bay thứ 3, khi mà Vikramaditya đã quá xuống cấp và lạc hậu. Rào cản duy nhất là vấn đề kinh phí, khi mà Vikrant tiêu tốn tới 3,13 tỷ USD.
Việt Dũng