Giờ tan tầm tại TP.HCM, trời đổ cơn mưa rào khiến người đi trên đường ai nấy đều hối hả. Ông Diệp Đức Quyền (60 tuổi) xoay bánh xe lăn vào bên trong quầy hàng nhỏ trú mưa. Sợ ướt máy móc và đồng hồ của khách, ông Quyền nhanh tay cất gọn đồ vào tủ, mặc cho lưng áo ướt sũng.
Làm nghề sửa đồng hồ gần 30 năm ở đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, ông Quyền xem công việc này là phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Thấy ông Quyền là người khuyết tật nhưng giàu nghị lực, nhiều người đến ủng hộ. Cũng nhờ vậy, ông nuôi được người con trai thành tài, hiện là bác sĩ xét nghiệm.
Nhiều khách hàng của tiệm sửa đồng hồ di động trên đường phố bất ngờ khi biết ông từng là tuyển thủ đua xe lăn chuyên nghiệp.
Ông Quyền kể, năm lên 1 tuổi, ông bị sốt bại liệt. Sống sót qua cơn "thập tử nhất sinh", đôi chân ông cũng teo dần và bất động, dù gia đình đã cố gắng chạy chữa.
Học đến lớp 7, chán nản vì gia cảnh nghèo khó, ý thức về sự khiếm khuyết của bản thân, không bằng bạn bè nên ông vô cùng tự ti.
"Nghỉ học, tôi đi bụi đời luôn. Thời đó, ngày nào tôi cũng ngập trong men rượu, quậy phá làng xóm khiến ba mẹ phiền lòng", ông Quyền nhớ lại.
Vô tình biết đến câu lạc bộ thể thao cho người khuyết tật, ông Quyền có linh cảm tốt, quyết định đăng ký tham gia. Ở đó, lần đầu trong đời ông nhận được sự đồng cảm.
Câu lạc bộ gồm khoảng 10 thành viên, có người cùng hoàn cảnh, cũng có người còn khổ sở hơn. Điểm chung ở đây là nghị lực phi thường của mọi người khiến chàng trai trẻ năm đó tỉnh ngộ. Khi 17 tuổi, ông Quyền được anh em trong nhóm giới thiệu học và làm nghề sửa đồng hồ.
Năm 1992, một thành viên trong nhóm biết đến bộ môn đua xe lăn cho người khuyết tật ở Hà Nội, rồi vào TP.HCM giới thiệu cho bạn bè.
"Lúc đầu nghe bộ môn này, chúng tôi bỡ ngỡ lắm vì người khuyết tật làm sao đua được? Nhìn thấy ảnh chiếc xe lăn đặc biệt dùng để đua, cả nhóm lúng túng nhưng cũng cố nghiên cứu, thiết kế", ông Quyền nói.
Sáng làm nghề chính kiếm sống, chiều tối ông lại về tập luyện, mày mò. Không lâu sau, cuộc thi đua xe lăn (Para Games) đầu tiên cho người khuyết tật diễn ra. Ông Quyền là người đoạt 3 huy chương vàng cá nhân ở nội dung xe lăn.
Dần dần, ông Quyền cũng có mặt tại cuộc thi cho người khuyết tật cấp quốc tế. Tính từ năm 1993 đến năm 2001, vị tuyển thủ cho hay: "Tôi thi đâu là thắng đó. Giải thưởng nhiều không nhớ nổi".
Lần thi đấu cuối cùng tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2005, ông Quyền đoạt huy chương bạc.
"Có không ít giải tôi nhận được hơn 45 triệu đồng tiền thưởng. Con số này rất cao vào thời điểm đó", vị cựu tuyển thủ cho biết.
Ngoài những thành tích nức tiếng, ông Quyền còn truyền cảm hứng cho nhiều người khuyết tật cùng tham gia các hoạt động tích cực. Không ít người cuộc đời đã sang trang mới, tìm được niềm đam mê để vượt qua biến cố.
"Thể thao đã giúp tôi thoát khỏi cuộc sống ăn chơi, lêu lổng, vô nghĩa, chuyển sang sống có mục đích, có ích cho xã hội hơn. Cũng nhờ thể thao, mấy chục năm qua, tôi chưa phải uống viên thuốc nào vì cơ thể luôn khỏe mạnh", ông Quyền khẳng định.
Yêu thể thao nhưng đặt gia đình lên trên hết, ông Quyền quyết định "rửa tay, gác kiếm". Công việc sửa đồng hồ không khiến ông Quyền giàu lên, nhưng lại giúp ông nuôi con trai thành tài.
Đến nay, con có công việc ổn định nhưng ông vẫn lao động hằng ngày. Dù mưa to, nắng gắt, ông Quyền cũng không nghỉ ngày nào.
"Thể thao tôi chơi không nổi nữa nên nghề này được chọn làm đam mê thứ 2. Còn sức thì còn làm, không lý do gì để tôi lười biếng", ông Quyền nói.
Theo Dân trí