Đối với sự phát triển kinh tế xã hội của một vùng, hệ thống giao thông đường bộ luôn luôn giữ vai trò quyết định, vì sẽ quyết định những yếu tố quan trọng khác như: Sự phân bổ dân cư, mạng lưới an sinh xã hội, y tế giáo dục, v.v…; quyết định cơ cấu và phân vùng kinh tế, đồng thời cũng chỉ ra vùng nào ưu tiên phát triển, là bộ xương của nội dung quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và là cơ sở của các hệ thống khác như hệ thống đường sắt, đường thủy, đường hàng không, bến cảng, cửa khẩu, sân bay, hệ thống cấp năng lượng, thông tin, cấp nước, thoát nước…
Bởi, có đường lộ, con người đi lại thuận lợi, hàng hóa vận chuyển dễ dàng, công việc làm ăn của người dân mới có thể phát triển, của cải vật chất cũng như đời sống người dân mới dồi dào lên. Như vậy muốn phát triển một vùng đất nào đó, việc đầu tiên phải làm là “Lộ” phải thông.
Hệ thống giao thông đường bộ như móng nhà, sự phát triển kinh tế xã hội phải dựa vào nền móng này xây lên. Nếu không sẽ chậm phát triển.
Tây Ninh đang tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, tỉnh sẽ rà soát, bổ sung quy hoạch mới các khu công nghiệp trên địa bàn; dự báo phân bố dân cư, lao động, phát triển các khu, cụm công nghiệp để đưa vào quy hoạch phát triển không gian, kiến trúc, trong đó có các đô thị dọc tuyến; thu hút vốn đầu tư xã hội cho phát triển đô thị mà không gây áp lực lên hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội vùng “lõi”, đồng thời tạo nguồn thu tái đầu tư phát triển.
Để thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ thì đầu tư hệ thống đường cao tốc là sự cần thiết. Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Tây Ninh xác định phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là 1 trong 4 chương trình đột phá cần được ưu tiên.
Tây Ninh sẽ xây dựng đề án tạo động lực mới phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát; đẩy nhanh tiến độ dự án đường Đất Sét - Bến Củi, dự án đầu tư logistics và cảng tổng hợp Hưng Thuận; triển khai thu hút đầu tư cảng đường thủy, trung tâm logistics trên tuyến sông Sài Gòn.
Theo quan sát, từ thành phố Tây Ninh đi đến cửa khẩu Xa Mát, tuyến quốc lộ 22B hiện hữu dường như không thể đáp ứng việc phát triển công nghiệp, thương mại, kinh tế cửa khẩu. QL22B đi qua nhiều khu dân cư bị hạn chế về tốc độ, nên việc có một tuyến đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát để kết nối vào tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài được xem là yếu tố mấu chốt để kêu gọi, thu hút nhà đầu tư đến đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát.
Đầu năm nay, Chính phủ giao Tây Ninh làm cao tốc Gò Dầu - Xa Mát.
Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát dài khoảng 65km, có quy mô 4 làn xe, đầu tư sau năm 2030. Khi hoàn thành, đây sẽ là trục giao thông kết nối hai cửa khẩu quốc tế Xa Mát, Tân Nam và nhiều cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam các nước tiểu vùng sông Mekong.
Dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát giai đoạn 1 (đoạn từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh) đã được quy hoạch theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1.9.2021 của Thủ tướng Chính phủ có chiều dài 65km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030. Để dự án sớm được đầu tư, Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT giao tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1, thực hiện đoạn Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh trong giai đoạn 2021-2030); hiện Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8999/VPCP-CN ngày 9.12.2021 lấy ý kiến các bộ liên quan.
Dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát là dự án quan trọng trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cùng với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư sẽ kết nối thành phố Tây Ninh với Thành phố Hồ Chí Minh và các cửa khẩu quan trọng, giúp thông thương với các nước Đông Nam Á. Song song đó, Dự án tuyến đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát góp phần tạo hệ thống giao thông hạ tầng của tỉnh ngày càng hoàn chỉnh là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng tỉnh Tây Ninh mà còn cả khu vực miền Đông Nam Bộ, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.
Theo dự kiến, tuyến đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát gồm 2 đoạn, đoạn 1 từ Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đến thành phố Tây Ninh; đoạn 2 từ thành phố Tây Ninh đi cửa khẩu Xa Mát, tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 72,4km.
Tuyến huyết mạch này khi hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh/thành trong khu vực và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đối nội và đối ngoại. Đây cũng là trục giao thông chính chạy dọc từ Bắc xuống Nam của tỉnh Tây Ninh, đồng thời kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. UBND tỉnh Tây Ninh xác định cao tốc Gò Dầu - Xa Mát là trục tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển như thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp…
Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển dọc hai bên tuyến bởi hiện có Khu công nghiệp đô thị dịch vụ Phước Đông - Bời Lời, Khu công nghiệp Chà Là, định hướng có Khu công nghiệp Hiệp Thạnh và Thạnh Đức.
Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh khẳng định, việc nghiên cứu và đầu tư sớm tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh của cả nước, của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.
Tân Châu