Vua tiếng Việt lên sóng mùa đầu tiên vào ngày 10/9/2021. Ở mùa một, chương trình thu hút hơn 10.000 bản đăng ký tham dự và lựa chọn ra 96 người chơi tham gia trong 24 số.
Sau một khoảng thời gian tạm dừng, mùa 2 của Vua tiếng Việt trở lại trên VTV3 vào tối thứ Sáu hàng tuần, bắt đầu từ ngày 23/9/2022.
Ban tổ chức chương trình kỳ vọng cuộc thi là nơi tôn vinh tiếng Việt giàu và đẹp, đồng thời giúp lan tỏa sự thú vị, hấp dẫn, lôi cuốn của tiếng Việt.
Không thể phủ nhận, chương trình này với sự tham gia của đông đảo người chơi ở mọi tầng lớp, lứa tuổi, nghề nghiệp, quốc tịch đã thu hút được sự quan tâm lớn của công chúng.
Tuy nhiên, việc chương trình liên tục bị tố gặp lỗi và nhiều "sạn" thời gian qua khiến không ít người cảm thấy nuối tiếc.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tên chương trình Vua tiếng Việt có phần to tát so với một game show truyền hình, không nên dùng chữ "vua".
Chia sẻ với Dân trí về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đặt tên chương trình là "Vua tiếng Việt" hoàn toàn không ổn.
Lý do là bởi tên gọi này kích thích lòng kiêu ngạo vô lối, đặc biệt là với lớp trẻ. Nhắc đến "vua" là nhắc đến người cao nhất, người làm luôn làm đúng, nói đúng, không ai sánh bằng. Người trẻ vì thế sẽ hiểu người thi hoặc người giành giải Vua tiếng Việt sẽ là người giỏi tiếng Việt nhất.
"Gọi "Vua tiếng Việt" thực ra là một kiểu câu view nhưng trong trường hợp này rất không nên vì gây phản cảm về mặt văn hóa. Ngay từ lần đầu nghe thấy tên gọi này tôi đã cảm thấy không phù hợp, không đảm bảo chất văn hóa của một chương trình truyền hình phát trên đài trung ương.
Theo tôi, chương trình nên đổi thành những cái tên dung dị, khiêm nhường hơn như "Thi tiếng Việt", "Tiếng Việt tinh hoa"… Những tên gọi này nhã nhặn, phù hợp với nội dung chương trình", PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt nhấn mạnh.
Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông cũng chỉ ra rằng, chương trình nhận là "Vua tiếng Việt" nhưng liên tục bị tố gặp sai sót. Việc sai sót này vô cùng nguy hiểm với công chúng.
Ngôn ngữ là công cụ của tư duy, là phương tiện giao tiếp. Nếu chương trình sai sót sẽ dễ dẫn đến sai sót trên nhiều lĩnh vực. Người xem chương trình, đặc biệt là người trẻ, học sinh sẽ tiếp nhận kiến thức sai. Người chơi cũng ảnh hưởng về tâm lý, hoang mang khi dự thi, mất niềm tin, nhầm lẫn giữa đúng và sai.
"Điều nguy hại nữa là khi phát sóng cái sai thì người ta xem được, nhưng khi chương trình đính chính chưa chắc mọi người đã biết. Người xem sẽ cảm thấy cách giải thích trước đó là đúng và sẽ sử dụng trong các hoạt động giao tiếp hoặc dùng để viết bài, làm văn. Tiếng Việt sẽ theo đó mà lệch lạc.
Trong bối cảnh tiếng Việt bị sử dụng lung tung, nhiều người muốn xem chương trình để tìm đến cái chuẩn nhưng chương trình lại có nhiều "sạn", nhiều lỗi thì sẽ khiến công chúng "dễ nhiễm" sai theo", chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt, khi xây dựng chương trình về tiếng Việt, nhà đài phải thật thận trọng. Chương trình cần có bộ máy biên tập giỏi, đặc biệt phải có những cố vấn am hiểu nhiều lĩnh vực của nghiên cứu ngôn ngữ (ngữ âm, ngữ pháp, chính tả, lịch sử tiếng Việt…). Nếu không có những người làm chương trình giỏi hoặc đội ngũ cố vấn chặt chẽ thì lầm lẫn sẽ xảy ra liên tục.
Nhìn nhận một cách khách quan, vị chuyên gia này cho rằng, mục tiêu của chương trình Vua tiếng Việt rất hay, giúp ích cho cuộc sống nên được đông đảo người dân đón nhận.
Tuy nhiên, để chương trình có chất lượng hơn, nhà đài nên thay đổi tên chương trình cho phù hợp, chỉnh lý về cách làm, thận trọng khi lựa chọn các câu hỏi, đáp án. Đặc biệt, với những trường hợp sai sót nên có sự cầu thị, tiếp thu, xin lỗi và đính chính kịp thời để công chúng không học theo cái sai.