Năm 1964, tại căn cứ quân sự Redstone (bang Alabama), Bộ Quốc phòng Mỹ lập Văn phòng quản lý chương trình với nhiệm vụ nghiên cứu phát triển hệ vũ khí chống tăng cho lục quân. Năm 1970, với sự phối hợp của hãng Raytheon, văn phòng cho ra mắt và đưa vào sử dụng tên lửa TOW đầu tiên.
TOW (Tube-launched, Optically tracked, Wire-guided - Phóng bằng ống, theo dõi quang học, dẫn đường bằng dây) là hệ vũ khí chống tăng và công kích hạng nặng đầu tiên trên thế giới. TOW có thể mang vác, lắp trên giá ba chân, xe đa năng bánh lốp cơ động cao (HMMWV), xe chiến đấu Bradley, xe có tên lửa dẫn hướng chống tăng Stryker (ATGM), xe thiết giáp nhẹ và trực thăng UH-1, AH-1 Cobra..
Tên lửa TOW có thể sử dụng hiệu quả trong mọi điều kiện thời tiết để giao chiến với xe tăng, xe bọc thép và không bọc thép. TOW còn được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu điểm như boong-ke, ổ súng máy và súng cối, vị trí bắn tỉa, tổ rốc két phóng lựu, các sở chỉ huy và điều khiển, các vị trí chiến đấu dã chiến và điểm phục kích của đối phương trong các tòa nhà, hang động.
Từ năm 1970 đến nay, gần 1.000.000 tên lửa TOW đã được sản xuất, trong đó, trong các cuộc chiến và xung đột vũ trang (như ở Iraq, Afghanistan, Syria), lục quân Mỹ đã sử dụng khoảng 10.000 quả.
Quá trình “tiến hóa” của TOW
Phiên bản gốc và cơ bản của tên lửa TOW có tầm bắn 3.000m, được thực chiến lần đầu vào tháng 5/1972. Năm 1981, TOW được bổ sung đầu dò giúp tăng mức xuyên giáp và tăng tầm bắn tối đa lên 3.750m. Năm 1983, tên lửa TOW 2 được thiết kế lại động cơ bay, tạo xung lực lớn hơn 30%; đầu đạn đủ loại cỡ, đầu dò có thể tăng tầm; khâu liên kết dẫn hướng của ống phóng cũng được cải tiến.
Năm 1987, TOW 2A (BGM-71E) sử dụng hệ đầu đạn nối đuôi nhau (Tandem), gồm 1 đầu chính và 1 đầu phụ. Đặc diểm của loại đạn này là khi tên lửa đánh trúng mục tiêu, trước hết nó kích hoạt đầu đạn phụ và tạo ra lực hủy diệt phá vỡ giáp phản ứng nổ (ERA) lắp trên xe tăng; tiếp đó, đầu đạn chính vượt qua lớp giáp đã bị vỡ và phá hủy xe tăng.
Tên lửa TOW 2A có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 3.750m, tốc độ có thể lên đến 180m/giây. Sử dụng loại TOW này, tháng 7/2003 quân Mỹ đã hạ sát 2 con trai của Tổng thống Iraq Saddam Hussein là Uday Hussein và Quasey Hussein.
Năm 1991 ra đời TOW 2B (BGM-71F), được gọi là tên lửa “Bay bên trên và bắn hạ”, với cảm biến hai chế độ, khoang vũ khí được trang bị hai đầu đạn xuyên lượng nổ tạo hình, tấn công lớp giáp phía trên của xe tăng vì nó mỏng manh nhất.
Năm 1992, hệ phát hiện nhận biết và giao chiến mục tiêu (ITAS) được cải tiến. Đây thực chất là hệ điều khiển hỏa lực mới của tên lửa TOW, tích hợp các khí tài ngắm quang học và hồng ngoại với khí tài đo tầm xa bằng laser, bám tự động mục tiêu.
Năm 2003, phiên bản TOW BB có khả năng đánh phá boong-ke, xuyên qua 2 lớp tường gia cố dày 8 inch. Trong cuộc chiến Iraq, 500 tên lửa TOW BB đã được triển khai để yểm trợ cho cụm chiến đấu lữ đoàn Stryker lục quân Mỹ. Năm 2004, TOW 2B Aero, bằng cách thêm dây và mũi tên lửa dạng khí động học, tầm xa tối đa tăng lên tới 4,5 km.
Năm 2006, TOW RF, phiên bản không dây mới, ra đời. Ngoài lục quân, Mỹ còn trang bị loại tên lửa này cho hải quân đánh bộ và quân đội một số nước đồng minh. Năm 2008, cải tiến ITAS, sử dụng một hệ xác định vị trí dựa vào vệ tinh định vị toàn cầu. Hệ này tạo khả năng xác định vị trí mục tiêu xa. Loại tên lửa với ITAS nâng cấp này đã được trang bị cho Lữ đoàn không vận bộ binh 173 Mỹ ở Afghanistan và các đơn vị tuần tra biên giới để yểm trợ phòng thủ nội địa.
Được sử dụng trong cuộc chiến Syria, tên lửa chống tăng TOW 2B từng khiến nhiều lữ đoàn tăng-thiết giáp của Syria chịu tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, dòng tên lửa này đã bộc lộ những hạn chế như tầm bắn ngắn, tốc độ di chuyển thấp làm tăng thời gian bay dẫn đến các rủi ro có thể.
Để khắc phục những hạn chế này, Bộ Quốc phòng Mỹ đang triển khai chương trình Tổ hợp tên lửa chống tăng CCMS-được đánh giá là “phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian” nhằm phát triển một hệ thống chống tăngmới “không thua kém các mẫu vũ khí của nước ngoài”.
Với độ chính xác và hiệu quả cao, tương đối đơn giản nhưng khá tin cậy, giá thành tương đối thấp so với nhiều hệ tên lửa khác, TOW vẫn là một trong số những loại vũ khí hiệu quả nhất và sử dụng nhiều nhất của quân đội Mỹ.
Video: Tên lửa TOW bắn trúng xe tăng T-90 ở Syria. Nguồn: RT
Nguyên Phong