Trực thăng chiến đấu Kamov Ka-52 với bộ nâng cấp tác chiến điện tử Vitebsk-25 đang trở thành “ác mộng” đối với tên lửa vác vai (MANPADS) trên chiến trường Ukraine.
Phương Tây cho biết, các phi đội trực thăng tấn công Ka-52 Alligator (Cá Sấu) của Nga bị tổn thất nặng nề trong giai đoạn đầu cuộc chiến, song dường như Moscow đã tìm được “thuốc giải” đối phó với tên lửa FIM-92 Stinger MANPAD đang được Washington cung cấp số lượng lớn cho Kiev.
EurAsian Times cho biết, gần một chiếc trực thăng biệt danh “Cá Sấu” này của quân đội Nga đã lập kỷ lục khi vô hiệu hoá 18 tên lửa MANPADS bằng cách gây nhiễu tần số sóng vô tuyến đối phương và trở về căn cứ nguyên vẹn.
Bí mật sức mạnh của Ka-52 nằm ở hệ thống phòng không điện tử phát triển nội địa có tên Vitebsk-25, còn được biết đến với tên xuất khẩu là hệ thống tác chiến điện tử President-S.
“Người Nga buộc phải tìm cách loại trừ các tên lửa đất đối không vác vai nếu không muốn đưa cả phi đội trực thăng chiến đấu vào lòng đất. Sự hiện diện của UAV cảm tử và các mối đe dọa khác trong chiến trường phi đối xứng khiến trực thăng chiến đấu ngày càng dễ bị tổn thương hơn”, một phi công trực thăng của Không quân Ấn Độ yêu cầu giấu tên nhận định.
Nga từng triển khai Vitebsk-25 trên các máy bay chiến đấu và trực thăng đổ bộ tầm trung trong cuộc xung đột tại Syria, cho thấy kết quả ấn tượng. Các quan chức quốc phòng nước này khẳng định không một máy bay nào được trang bị hệ thống trên bị trúng tên lửa MANPADS từ phía khủng bố.
Bộ Quốc phòng Ai Cập cũng đã tiến hành các cuộc thử nghiệm khắc nghiệt với máy bay trực thăng Ka-52 tích hợp Vitebsk-25. Họ bắn hơn hai chục tên lửa Igla MANPADS nhưng không quả nào có thể chạm đến mục tiêu.
“Ác mộng” với tên lửa vác vai
Hệ thống tác chiến điện tử Vitebsk-25 đã mang đến “sức sống mới” cho những chiếc trực thăng chiến đấu của Nga. Hệ thống này lần đầu tiên được giới thiệu tại Eurosatory-2010 ở Paris vào năm 2010. Nhưng tại thời điểm đó các chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng làm chệch hướng tên lửa mà nhà sản xuất tuyên bố.
Một trong những tính năng nổi trội của hệ thống là hoạt động ở chế độ hoàn toàn tự động, cho phép phản ứng với các mối đe dọa mà không cần đợi quyết định của phi công. Ngoài ra, thiết bị có tính mô-đun cao khi có thể dễ dàng tích hợp trên nhiều loại và cấu hình máy bay.
Hệ thống tự vệ Vitebsk-25 bao gồm thiết bị theo dõi tên lửa hồng ngoại và các biện pháp đối phó bằng laser. Trong đó, laser được sử dụng để chống lại tên lửa đất đối không và không đối không của đối phương. Ngoài ra, nó cũng được kết nối với bệ bắn pháo sáng.
Theo báo cáo, thiết bị có thể phát hiện và gây nhiễu các mối đe dọa trên góc phương vị 120 độ và độ cao 60 độ. Cùng với các mối đe dọa hồng ngoại, Vitebsk-25 phát hiện và can thiệp sóng radar ở dải tần 4 gigahertz/GHz lên đến 18GHz. Dòng sản phẩm Vitebsk bao gồm hệ thống L-370E8 gắn trên máy bay trực thăng đa dụng hạng trung và L-370E26L trang bị cho máy bay cánh quạt hạng nặng.
Máy bay trực thăng tấn công được trang bị L-370P2, L-370V52 và L-370E50. Biến thể L-3703S trang bị bệ cánh cố định giống như máy bay chiến đấu Su-25.
NATO đang trang bị mạnh mẽ cho lực lượng vũ trang Ukraine các hệ thống phòng không di động, bao gồm ít nhất 2.557 chiếc FIM-92 Stinger và một số lượng không xác định các hệ thống tên lửa Piorun, Sungur, Strela-2, Igla và RBS-70.
Vitebsk-25 hoạt động dựa trên nguyên lý quét toàn bộ khu vực bằng máy thu cảnh báo radar, phát hiện các vụ phóng bằng cách quét khu vực bằng máy thu cảnh báo radar và laser, cũng như các cảm biến IR & UV, sau đó cảnh báo phi hành đoàn về họ.
Trong trường hợp bảo vệ thụ động, nó sẽ kích hoạt phát tán khói mù và pháo sáng để gây nhầm lẫn và vô hiệu hoá tên lửa. Trong khi đó, với tính năng phòng thủ chủ động, Vitebsk-25 can thiệp trực tiếp vào hệ thống dẫn đường tầm nhiệt của tên lửa đối phương và điều hướng mối đe doạ sang mục tiêu mồi nhử.
Các chuyên gia quân sự đánh giá hệ thống tác chiến điện tử này của Nga có sức mạnh đáng kể trong đối phó những đầu đạn sử dụng công nghệ dẫn đường radar.
(Theo EurAsian Times)