Thông tin trên vừa được bà Đỗ Hải Anh, Phó trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 12 của Bộ TT&TT diễn ra ngày 7/12 tại Hà Nội.

W-ba-do-hai-anh-cuc-an-toan-thong-tin-1-1.jpg
Bà Đỗ Hải Anh, Phó trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển, Cục An toàn thông tin trao đổi tại họp báo tháng 12 của Bộ TT&TT. (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, trong 11 tháng vừa qua, đã có hơn 15.900 phản ánh trường hợp lừa đảo được người dùng Internet Việt Nam gửi đến Cục qua các hệ thống cảnh báo. Trong đó, hơn 91% số cảnh báo liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.

Để ngăn chặn, phòng chống tình trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin đã và đang triển khai nhiều giải pháp, bao gồm cả các biện pháp kỹ thuật và đặc biệt là những giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho người dân, qua đó giúp họ nhận diện được các hình thức lừa đảo cũng như cách phòng tránh để tự bảo vệ mình trên không gian mạng.

Cụ thể, Cục An toàn thông tin đã xây dựng và phát hành cẩm nang về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, và cẩm nang an toàn trực tuyến giúp bảo vệ mọi đối tượng người dân trên không gian mạng.

Cùng với đó, các chiến dịch tuyên truyền cũng đã được triển khai nhằm từng bước nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng về phòng chống lừa đảo trực tuyến cho đông đảo người dân.

Các kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia qua gồm trang web khonggianmang.vn và tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội đã được thiết lập và duy trì hoạt động, cập nhật thường xuyên thông tin tuyên truyền về các vấn đề an toàn thông tin, đặc biệt là phòng tránh lừa đảo trực tuyến.

Gần đây nhất, từ giữa tháng 11/2023, Cục An toàn thông tin còn thực hiện chuỗi nội dung "Điểm tin tuần", tổng hợp những tin tức nổi bật trong từng tuần về lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam cùng với các khuyến cáo từ chuyên gia an toàn thông tin.

Chuyên gia Cục An toàn thông tin nhấn mạnh: Việc tuyên truyền về lừa đảo trực tuyến là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Cơ quan này cũng mong muốn nhận được sự phối hợp của các cơ quan truyền thông báo chí trong việc sản xuất tin bài và các nội dung về nhận diện, phòng chống lừa đảo trên nền tảng truyền thông.

Qua đó, góp phần lan tỏa rộng những thông tin hữu ích tới người dân Việt Nam, cùng chung tay phòng chống lừa đảo trực tuyến và bảo vệ an toàn thông tin cho mọi người tham gia hoạt động trên môi trường mạng.

W-ten-mien-lua-dao-1-1-1.jpg
Trong cảnh báo an toàn thông tin thực hiện hàng tuần, Cục An toàn thông tin đều có nội dung lưu ý về các website lừa đảo, giả mạo. (Ảnh minh họa: T.Dung)

Cũng trong chia sẻ tại buổi họp báo ngày 7/12, đại diện Cục An toàn thông tin còn điểm ra những biện pháp kỹ thuật đã và đang được áp dụng để ngăn chặn lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam.

Một biện pháp kỹ thuật quan trọng là giám sát, theo dõi, cảnh báo và ngăn chặn những tên miền độc hại. “Thời gian qua, cơ quan chức năng của Bộ TT&TT  liên tục giám sát, cảnh báo và tổ chức điều phối các doanh nghiệp ISP ngăn chặn các tên miền giả mạo, lừa đảo ngay khi phát hiện”, đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ.

Song song đó, Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia cũng được thúc đẩy phát triển để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến kịp thời; cung cấp các công cụ tự kiểm tra và bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng.

Hệ sinh thái Tín nhiệm mạng (tinnhiemmang.vn) tiếp tục được triển khai để đánh giá, xác nhận các website đảm bảo an toàn thông tin mạng. Tại đây, Cục An toàn thông tin còn công bố danh sách các website không an toàn, vi phạm pháp luật và các tài khoản ngân hàng có liên quan đến các cuộc lừa đảo trực tuyến.

Thời gian tới, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với những cơ quan, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, các doanh nghiệp viễn thông trong việc theo dõi, rà soát tình hình lộ lọt, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam và cảnh báo, hỗ trợ xử lý kịp thời các nhóm tội phạm công nghệ cao; không để xảy ra sự cố thiệt hại nghiêm trọng do lộ lọt thông tin. 

“Việc tổ chức chỉ đạo, điều phối các nhà mạng chủ động rà soát, nâng cao năng lực các hệ thống chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác, đặc biệt vào dịp cuối năm, sẽ tiếp tục được chúng tôi tập trung thực hiện”, đại diện Cục An toàn thông tin cho hay.