Thưa bác sĩ, gia đình tôi có 5 người, 3 ngày trước, chồng tôi có tiếp xúc với F0. Hiện tại, anh có các triệu chứng như ho, sổ mũi. Khi test nhanh, kết quả hiện lên 2 vạch đậm. Cho tôi hỏi có phải vạch đậm như vậy, chồng tôi đang mắc Covid-19 nặng?

Độc giả Phương Anh (Hà Nội)

Test nhanh tại nhà cách thực hiện đơn giản, nhanh cho kết quả nên đang là phương pháp được nhiều người áp dụng để phát hiện virus SARS-CoV-2.

Trên khay của bộ tets nhanh có vạch C (Control line) là vạch chứng. Nếu sau khi bạn nhỏ mẫu vạch này hiển thị màu đỏ, chứng tỏ kit test hoạt động bình thường. Do đó, vạch C sẽ luôn hiển lên khi khay test đã thấm đủ lượng dịch mẫu. Đồng thời nếu kết quả xét nghiệm chỉ hiển thị ở vị trí C, có nghĩa là bạn âm tính tại thời điểm thực hiện, tức không bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Đối với vạch T (Test line) là vạch thử, nếu bạn mắc Covid, vạch này sẽ hiển thị màu đỏ và cho kết quả dương tính. Trường hợp trên khay test không hiện 2 vạch hoặc chỉ hiện 1 vạch T, bạn nên thực hiện lại do quá trình thực hiện có thể mắc phải sai sót hoặc que test không chất lượng. Với nhiều loại que test khác nhau, màu hiển thị của vạch có thể là đỏ, xanh, hoặc đen tuy nhiên, ý nghĩa không thay đổi.

{keywords}
Ảnh: VietNamNet

Việc vạch T nhạt hay đậm không có ý nghĩa bệnh nặng hay nhẹ, nó chỉ có ý nghĩa duy nhất là bạn dương tính với SARS-CoV-2. Có người cho rằng: “Nó đậm lắm chắc là nặng hoặc vạch này mờ lắm là bệnh đỡ rồi” điều này là không chính xác. Covid-19 có giai đoạn ủ bệnh hoặc giai đoạn thoái lui bệnh nhưng triệu chứng nặng hay nhẹ sẽ biểu hiện ra lâm sàng.

Cụ thể, có trường hợp kiểm tra 2 vạch lên đậm nhưng không có triệu chứng gì, vài ngày sau người này sốt, ho nặng hơn tets nhanh lại thấy 2 vạch mờ. Như vậy thông tin đậm, mờ liên quan nặng, nhẹ của Covid-19 là hoàn toàn không chính xác. Mức độ nặng hay nhẹ lâm sàng do bác sĩ thăm khám, không quy định bằng test nhanh. Vì vậy, chúng ta không nên dựa vào đó để chẩn đoán bệnh.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, để có kết quả test nhanh chính xác, trước hết, cần lựa chọn mua đúng loại test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế cấp phép. Sau đó, người dân cần tuân thủ các bước theo đúng hướng dẫn kèm theo bộ test tùy nhà sản xuất.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cũng khuyến cáo, người dân cần lưu ý: test nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2 thường có nhiệt độ bảo quản từ 2 - 30 độ C.

Khi sử dụng test tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Kiểm tra hạn sử dụng trước khi dùng, tuyệt đối không sử dụng bộ kit test đã hết hạn. Nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Cũng theo HCDC, quy định hiện nay, xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với SARS-CoV-2 được xác định là F0 trong 3 điều kiện sau:

Thứ nhất, là người tiếp xúc gần F1. Thứ hai, là người có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng: sốt; ho, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh… Thứ ba, là người có kết quả xét nghiệm nhanh 2 lần liên tiếp dương tính, cách nhau 8 giờ và có yếu tố dịch tễ.

Ths.Bs Kiều Xuân Thy (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3)

Tại sao đủ triệu chứng mắc Omicron, nhiều lần test nhanh vẫn âm tính?

Tại sao đủ triệu chứng mắc Omicron, nhiều lần test nhanh vẫn âm tính?

Biến chủng Omicron đang dần chiếm ưu thế trong cộng đồng, nhiều người có đủ các triệu chứng nhưng test nhanh vẫn âm tính. Lý do được các chuyên gia nhận định là phụ thuộc vào chất lượng kit test, thời điểm và kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm.