Tết đến sớm, nguồn hàng chuẩn bị dồi dào
Tết nguyên đán Quý Mão 2023 chỉ sau Tết Dương lịch 20 ngày, thay vì 1-2 tháng như Tết Nguyên đán nhiều năm trước. Do đó, ngay từ thời điểm này, các nhà cung cấp cũng như đơn vị phân phối lớn đã có động thái chuẩn bị hàng Tết, phục vụ kỳ mua sắm dồn dập sắp tới. Việc chuẩn bị sớm nhằm giảm thiểu tối đa biến động giá, ảnh hưởng đến người tiêu dùng cuối năm.
Thông tin về lượng hàng cho dịp Tết, ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Vissan, cho hay, sản lượng doanh nghiệp dự kiến cung cấp ra thị trường tăng khoảng 8% so với cùng kỳ. Cụ thể gồm 2.050 tấn thực phẩm tươi sống; 4.150 tấn thực phẩm chế biến. Tổng giá trị hàng hóa cho cao điểm Tết đạt trên 700 tỷ đồng.
Theo ông Khoa, nguồn nguyên liệu sản xuất thực phẩm chế biến được Vissan dự trữ để duy trì sản xuất tối thiểu 2-3 tháng. Đối với thực phẩm chế biến có thời hạn sử dụng ngắn, đơn vị tập trung sản xuất vào giáp Tết, những sản phẩm có thời hạn sử dụng dài hơn được doanh nghiệp dần sản xuất từ tháng 10/2022.
“Về thực phẩm tươi sống, với năng lực giết mổ khoảng 1.500 con gia súc/ngày, từ ngày 25-30 tháng 12 Âm lịch, chúng tôi lên phương án tăng sản lượng giết mổ, đáp ứng nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng”, ông Khoa nói.
Đối với các hệ thống phân phối, MM Mega Market Việt Nam có kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng 20- 30% so với Tết 2022 và 40-50% so với những tháng bình thường trong năm. Riêng thực phẩm tươi sống và mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo, mứt tăng đến 100%. Hiểu tâm lý bắt đầu mua sắm ít nhất 4 tuần trước khi dịp lễ chính thức bắt đầu, đơn vị trưng bày hàng Tết từ 15/12/2022 tới 21/1/2023 để người dân linh hoạt thời gian mua sắm, không bị dồn vào những ngày cận Tết.
Đại diện siêu thị này dự đoán sức mua năm nay tăng từ 10-20% so với Tết Nguyên đán 2022. Cách đây vài tháng, siêu thị đã làm việc với nhà cung cấp để duy trì mức giá. Đối với ngành hàng thực phẩm tươi sống, đơn vị đang theo dõi biến động thị trường để đảm bảo ở mức giá bình ổn.
Tương tự, đại diện nhà bán lẻ WinCommerce cũng nhận định, những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm tăng cao do có nhiều dịp lễ, Tết. Bởi vậy, hệ thống này đang thúc đẩy mở mới thêm hơn 300 siêu thị, cửa hàng Winmart/Winmart+, trong đó, đưa 80-120 cửa hàng WIN đa tiện ích vào hoạt động trong năm 2022.
Hệ thống cũng chuẩn bị nguồn hàng tăng 30% so với thời điểm thông thường để phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Còn ông Bùi Trung Chính - Giám đốc Khối thu mua khu vực phía Nam của Aeon Việt Nam - thông tin, doanh nghiệp đã làm việc với nhà cung cấp để chuẩn bị hàng hoá cho giai đoạn cao điểm cuối năm và Tết. Dự kiến, đơn vị tăng từ 10-20% số lượng đối với các mặt hàng thiết yếu, các sản phẩm như giỏ quà Tết, đồ khô các loại, bánh kẹo, thời trang... Giai đoạn cận Tết, Aeon sẽ tập trung cung cấp các sản phẩm thực phẩm đa dạng về chủng loại, với nhiều mức giá để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.
Lo ngại giá nguyên liệu và chi phí logistics tăng
Tại TP.HCM, số liệu từ Sở Công Thương thành phố, địa phương này đã chuẩn bị lượng hàng hóa, lương thực thực phẩm cho dịp Tết Quý Mão 2023 lên tới hàng chục nghìn tấn. Cụ thể, lương thực 5.253 tấn; đường 2.031 tấn; dầu ăn 2.356 tấn; thịt gia súc 5.603 tấn; thịt gia cầm 8.481 tấn; thực phẩm chế biến 1.485 tấn; rau củ quả 9.255 tấn; thủy hải sản 297 tấn; trứng gia cầm 54,4 triệu quả và khoảng 1.600 tấn gia vị.
Nói về khó khăn, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), từng chia sẻ, giá nguyên liệu sản xuất của ngành và chi phí dịch vụ logistics tăng cao. Đây là hai vấn đề chính có tác động không nhỏ đến việc nhận đơn hàng mới của doanh nghiệp.
Đơn cử, giá nguyên phụ liệu sản xuất kể cả trong nước và nhập khẩu đều tăng từ 15-40% so với thời điểm trước dịch bùng phát. Trong khi đó, các nguyên liệu nhập khẩu khác để chế biến hay bao bì đóng gói cũng tăng hơn 30% so với trước.
Về phần mình, Sở Công Thương TP.HCM và các Sở, ngành đang làm việc với từng doanh nghiệp để nắm lại kế hoạch sản xuất, lượng hàng dự trữ cũng như các khó khăn trong khâu chuẩn bị nguyên liệu để đảm bảo kế hoạch chuẩn bị lương thực đúng và đầy đủ.
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương cho hay, Sở cũng có kế hoạch hỗ trợ hệ thống phân phối trong kết nối cung cầu với các tỉnh, nhằm giới thiệu nguồn hàng mới, đặc sản có tiềm năng, chất lượng từ các địa phương cho thị trường TP.HCM.
“Trung tuần tháng 11 tới đây, hội nghị kết nối cung cầu và chương trình khuyến mại tập trung sẽ được triển khai để kích cầu thị trường TP.HCM, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho kế hoạch Tết Nguyên đán 2023”, ông Phương nói.