Sáng 27/1, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão (từ 20/1 đến 26/1), bệnh viện tiếp nhận tổng số 1.990 lượt cấp cứu, trung bình mỗi ngày 284 ca.
Trong đó, 429 ca cấp cứu vì tai nạn giao thông (do chuyển viện và người bệnh tự đến), 91 ca tai nạn sinh hoạt, 47 ca ẩu đả, 18 ca ngộ độc. Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cấp cứu cho 257 bệnh nhân, trung bình mỗi ngày 37 ca phẫu thuật.
Tính đến 7h sáng 27/1, Bệnh viện Chợ Rẫy còn 1.415 bệnh nhân đang điều trị. Trong 7 ngày nghỉ Tết, nơi đây sử dụng 684 đơn vị máu và còn hơn 4.000 đơn vị máu đang được lưu trữ.
So với đợt nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022, lượng bệnh nhân cấp cứu năm nay tăng 350 ca (21,3%), tai nạn giao thông giảm 5 ca, tai nạn sinh hoạt tăng 5 ca, ẩu đả tăng 22 ca, ngộ độc tăng 2 ca.
Lượng máu sử dụng trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão cũng tăng 63,2% so với năm trước, tương đương với số lượng bệnh nhân cấp cứu và phẫu thuật cấp cứu tăng.
Tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), trong tổng số 521 ca đến khám, cấp cứu từ mùng 1 đến hết mùng 4, có 256 ca cấp cứu do tai nạn giao thông (49%), giảm nhiều so với các năm trước.
Ngày mùng 4 Tết ghi nhận lượng bệnh nhân cao nhất với gần 150 ca khám, cấp cứu vì mọi nguyên nhân. Riêng vào viện vì tai nạn giao thông có 72 ca, gần một nửa chấn thương sọ não, tăng nhiều so với 3 ngày trước đó.
TS.BS Quách Văn Kiên, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, cho biết, các năm trước, số người cấp cứu do tai nạn giao thông chiếm 70-80% trong tổng số ca đến cấp cứu nhưng năm nay giảm hơn. Số ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông cũng giảm gần một nửa so với mọi năm, với 64 ca trong 4 ngày Tết.
Đặc biệt, số ca tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu giảm mạnh (41 ca trong 4 ngày), chỉ chiếm hơn 16% tổng số ca cấp cứu so với tỷ lệ 50% của những năm trước đó. Nhiều trường hợp gặp nạn do tự ngã dù không sử dụng bia rượu trước đó nhưng chấn thương rất nghiêm trọng.
Các bác sĩ cho biết, từ mùng 5, số lượng người di chuyển về thành phố nhiều để chuẩn bị bắt đầu đi làm, số ca tai nạn có thể tăng lên. Do đó các khoa khám, cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức luôn duy trì ê-kíp khoảng 20 bác sĩ trực cấp cứu đầy đủ các chuyên khoa từ chấn thương cột sống, sọ não, tiêu hóa, tiết niệu, chấn thương chỉnh hình, tim mạch. Ngoài ra có 15-17 bác sĩ nội trú, học viên, 17 điều dưỡng túc trực sẵn sàng ở phòng cấp cứu.
Tết năm nay, số ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông cũng giảm xuống nên không xảy ra quá tải ở khu vực phòng mổ, quá tải máy thở.
Sở Y tế Hà Nội cũng vừa có báo cáo liên quan công tác khám chữa bệnh trong 6 ngày (từ sáng 29 đến sáng mùng 5), theo đó, có gần 2.000 ca đến khám, cấp cứu tại các bệnh viện của thủ đô. Trong đó, có 868 ca tai nạn giao thông, 920 ca tai nạn sinh hoạt, 6 ca tai nạn pháo nổ, gần 100 ca do đánh nhau… 1.142 em bé chào đời trong 7 ngày Tết tại các bệnh viện của Hà Nội.
Cũng theo Sở Y tế, 64 ca tử vong tại bệnh viện bao gồm cả tử vong trước khi đến viện trong 6 ngày Tết chủ yếu là người cao tuổi, bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch.
Trước đó, Bộ Y tế cũng thông tin cụ thể về tình hình bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông trong dịp nghỉ Tết trên cả nước.
Theo đó, có 9.716 trường hợp phải nhập viện điều trị chiếm 36,8% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, tăng 1.312 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022.
Đã có 217 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, giảm 8 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022.
Cả nước có 403 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, không có ca tử vong; 34 trường hợp cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, ghi nhận 2 trường hợp tử vong; 3.041 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau và đã có 10 trường hợp tử vong.
Ngoài ra, nước ta ghi nhận 11.964 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động, trong đó 19 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, có 686 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, 2 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu.