Tết Trung thu thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của người lớn dành cho con trẻ
Trước thềm Trung thu 2022, Hội truyền thông thành phố Hà Nội cùng Cung Thiếu nhi Hà Nội tổ chức tọa đàm Tết trung thu cổ truyền – gìn giữ, phát huy và lan tỏa. Cùng với đó, 30 bức ảnh về Trung thu Hà Nội xưa do Tạp chí Xưa và Nay sưu tầm cũng được trưng bày, trong đó trọng tâm là trẻ em. Loạt ảnh quý tái hiện không khí Trung Thu xưa tuy còn nghèo nhưng vẫn đầy ắp niềm vui của trẻ nhỏ.
Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, năm nay các em nhỏ lại được tận hưởng không khí Trung Thu rộn ràng khắp phố phường. Qua năm tháng, trong cuộc sống nơi đô thị tất tật, nhiều thói quen, nhiều món đồ trung thu truyền thống đã mất nhưng không khí đoàn viên của ngày Tết Trung thu vẫn còn vẹn nguyên. Và đặc biệt dù có biến tấu và thay đổi như thế nào thì Trung thu vẫn là ngày lễ dành cho con trẻ, là dịp để người lớn thể hiện sự quan tâm chăm sóc cho đời sống tinh thần, vật chất của trẻ nhỏ, hướng tới một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
TS. Vũ Hồng Nhi, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ: "Ở Việt Nam, rằm tháng Tám còn được gọi là Tết Trung thu, khởi đầu nó gắn hoạt động cầu mùa của cư dân nông nghiệp. Qua quá trình lao động sản xuất và đấu tranh giành độc lập của dân tộc, đặc biệt sau cuộc cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, tất cả trẻ em Việt Nam đều được vui chơi, học tập Tết Trung thu đã trở thành Tết của trẻ em, với rất nhiều hoạt động thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của người lớn dành cho con trẻ.
Theo truyền thống, vào dịp này, các gia đình có trẻ nhỏ luôn chuẩn bị một số loại đồ chơi tặng cho con cháu mình như: đầu lân, đèn kéo quân, đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi... Đồng thời, mỗi gia đình cũng sửa soạn một mâm cỗ Trung thu với những món đồ chơi đầy ý nghĩa để dâng cúng thần linh, tổ tiên và gửi gắm những mong muốn tốt đẹp cho cuộc sống, đặc biệt là những ước vọng, niềm tin dành cho con trẻ.
Đáng chú ý nhất là những đồ chơi dân gian có tính giáo dục cao, truyền tải niềm tin yêu, hy vọng của các bậc phụ huynh tới con cháu mình: Cá chép gắn với truyền thuyết vượt vũ môn hóa rồng nhờ chịu khó luyện tập; ông tiến sĩ giấy là biểu tượng sự đỗ đạt, thành tài; ông đánh gậy là sự động viên, khuyến khích con trẻ phải chú ý rèn luyện cả trí và lực để xây dựng và bảo vệ đất nước; chiếc đầu lân tiếp thêm sức mạnh, sự nhanh nhẹn, khéo léo; đèn kéo quân và đèn ông sao gợi nhớ đế công lao của các thế hệ đi trước đã đánh đuổi giặc ngoại xâm đem lại hòa bình, ấm no cho đất nước".
Theo nhà báo Vũ Tuyết Nhung, những năm đầu thế kỷ 21, cuộc sống của người dân Hà Nội trở nên sung túc hơn thì những cái tết Trung thu cũng trở nên rực rỡ rộn ràng hơn. Các trường học, các xóm thôn phường phố thậm chí các tổ dân phố hay các ban quản lý nhà chung cư cao tầng cũng đã tổ chức những đêm trung thu thật ấn tượng cho người già trẻ nhỏ chung vui. Vào dịp này, các tổ chức thiện nguyện cũng đều tổ chức tặng quà và bày cỗ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở cả thành phố và các vùng quê, kể cả vùng sâu vùng xa vui đón những mùa trung thu chan hòa tình thân ái yêu thương.
Ở Việt Nam, ngoài tên gọi Tết Trung thu còn một số tên gọi khác, trong đó có Tết Thiếu nhi hay Tết Trẻ con. Nhưng dù gọi tên là gì thì nổi bật nhất vẫn là nội dung đậm tính nhân văn, có ý nghĩa xã hội sâu sắc nhất đó là sự quan tâm, chăm sóc cả vật chất và tinh thần cho trẻ em. Vào dịp này, từ xa xưa dẫu còn nhiều khó khăn vất vả, nhưng mỗi gia đình đều cố gắng có được mâm cỗ Trung thu, trước để cúng tổ tiên, sau cho con trẻ thụ hưởng.
Trung Thu là dịp nhắc nhở người lớn quan tâm hơn tới trẻ em
TS Phan Đăng Long, nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội chia sẻ: "Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn, hiểu sâu sắc truyền thống, di sản văn hóa dân tộc. Bác đặc biệt dành nhiều tính cảm thương yêu, sự quan tâm sâu sắc đến thiếu niên, nhi đồng. Mỗi dịp Tết trung thu đến, Bác Hồ đã nhiều lần gửi gắm, thề hiện tình cảm yêu thương, sự quan tâm đó.
Năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra rất gay go, ác liệt, Tết Trung thu đến, dù đang bộn bề lo nghĩ, công việc trọng đại của đất nước, nhưng Bác Hồ vẫn nghĩ đến thiếu nhi, những mầm non tương lai đất nước. Bác đã gửi thư với những lời lẽ rất mực yêu thương, ân cần: Tết Trung thu là Tết của các cháu. Trăng thu soi xuống các cháu êm ái như một người mẹ hiền... Từ ngày nước ta được độc lập, các cháu ăn Tết thật vui vẻ' (thư Bác Hồ gửi các cháu thiếu nhi ngày 27/9/1947).
Kể từ năm 1945, sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời thì Tết Trung Thu chính thức được coi là Tết Thiếu Nhi. Điều này cho thấy trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước luôn được đặt ở vị trí ưu tiên số 1.
Nhà văn Lê Phương Liên trong tham luận về Tết Trung thu xưa và nay tại tọa đàm nhớ lại, "Bác Hồ là vị Chủ tịch nước rất yêu các cháu thiếu nhi và yêu Tết Trung Thu. Trong những năm kháng chiến Bác Hồ làm thơ gửi các cháu thiếu niên nhi đồng: Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng. Khi hòa bình lập lại, Bác về Hà Nội, dịp Tết Trung thu nào Bác Hồ cũng đi gặp thiếu nhi. Bác đã đến Câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội - Ấu Trĩ viên - Cung thiếu nhi hiện nay để dự Tết Trung thu với thiếu nhi Hà Nội. Bản thân tôi là thiếu nhi ngày ấy đã lần đầu tiên được gặp Bác Hồ tại đây. Đến năm 1963, 1964, 1965 khi sức khỏe đã yếu hơn, Bác Hồ đã cho mời các cháu học sinh tiêu biểu vào Phủ Chủ tịch vui Trung thu cùng Bác".
Từ lâu nay, mỗi dịp Trung Thu là mỗi dịp nhắc nhở thế hệ người lớn quan tâm hơn tới trẻ em, đặc biệt là những em nhỏ có cuộc sống khó khăn. Ở mỗi khu dân cư những dịp này đều có chương trình tặng quà hay tổ chức văn nghệ, chơi trò chơi dân gian hay làm cỗ trông trăng cho trẻ nhỏ. Trong những năm tháng hòa bình hay chiến tranh, dù ở thời bao cấp hay trong cuộc sống đủ đầy vật chất hơn hiện nay thì Trung Thu luôn được các cơ quan đoàn thể và các gia đình tổ chức cho thiếu nhi. Theo nhà thơ Bảo Ngọc, Tết Trung thu dù là thời xa xưa hay trong cuộc sống hiện tại, đều cần được giữ gìn như một món quà đẹp dành cho trẻ thơ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ Trung thu là dịp để trẻ em vui đón và người lớn nhớ lại tuổi thơ của mình. "Đọc lại bài văn trên Đăng Cổ Tùng Báo cách nay đã hơn trăm năm (chính xác là 115 năm) chứa đựng nhiều tri thức (cả ngôn từ) về đời sống liên quan đến ngày Tết Trung Thu ở Hà Nội với các đồ chơi, trò vui, tích truyện hay phong tục tập quán của người xưa. Nhiều thứ nay vẫn còn, nhiều cái nay đã mất (đọc không hiểu). Nhưng cái dường như không bao giờ mất được là lòng hướng thiện mà người lớn luôn gửi gắm giáo dục cho con cái nhà mình đừng quên những thân phận thiệt thòi trong mọi dịp vui".
Như Quỳnh,Hồng Hạnh, Nguyễn Doanh