Tắt điện thoại cũng là lúc nước mắt không ngừng rơi
Năm nay là cái tết thứ 3 Thu Hà đón cái Tết xa nhà, xa gia đình. Hà sang Nhật Bản học tập và làm việc đã được 4 năm, với cô, điều may mắn nhất là việc quyết định về nước đón Tết năm 2020, trước khi tình hình dịch covid bùng phát ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Từ đó cho đến nay, do tình hình dịch đi lại khó khăn, cơ hội về Việt Nam đón Tết với Hà như xa vạn dặm.
Rơm rớm nước mắt mỗi khi chia sẻ về không khí đón Tết bên Nhật Bản, Hà kể: "Mỗi khi gần đến Tết, gọi điện về cho gia đình, ông bà, bố mẹ và bạn bè, mình được hỏi rằng: "Năm nay có về ăn Tết không", tự dưng thấy muốn dừng lại mọi thứ ở đất nước xa lạ này để trở về nhà, trở về quê hương, nơi mà mình được sinh ra và lớn lên. Mình tin rằng, không chỉ mình mà tất cả những người con đang xa quê để học tập và làm ăn đều mong muốn có thể ở bên gia đình và người thân không chỉ mỗi dịp tết".
Một cái Tết xa nhà buồn và tủi thân nhất đối với Hà, đó là vào đêm giao thừa cách đây 3 năm trước.
"Đó là khi mình đi làm thêm vào ban đêm, tranh thủ giờ nghỉ giải lao gọi điện về nhà. Nhìn thấy gia đình quây quần xem Táo Quân mà lòng tủi thân đến mức phải tắt vội điện thoại rồi mới dám đưa tay lên lau nước mắt chỉ vì sợ bố mẹ ở nhà lo lắng.
Có lẽ mình tủi thân vì đó là cái Tết đầu tiên xa nhà. Hiện tại mình cũng đã quen và cảm thấy đỡ buồn hơn trước", Hà nghẹn ngào nói.
Ở Nhật Bản, Hà vẫn chuẩn bị đầy đủ bánh chưng, cành đào nhưng Tết không nhộn nhịp và náo nhiệt như Việt Nam. Người Nhật không đón Tết Nguyên đán nên nếu muốn nghỉ Hà sẽ phải đăng ký ngày nghỉ với công ty.
Hà chia sẻ: "Hằng năm vào dịp Tết mình sẽ dành thời gian họp mặt bạn bè, cùng nhau nấu các món ăn ngày Tết sau đó đi chùa, đi chơi và mua sắm. Mong rằng Tết 2023 dịch bệnh sẽ chấm dứt để mình có thể về đón Tết cùng gia đình và người thân".
Tết xa nhà vẫn đủ đầy bánh chưng, dưa hành
Cũng đã xa nhà, đón Tết trên "đất nước mặt trời mọc" được 3 năm. Minh Đức không còn buồn quá nhiều mỗi khi Tết đến. "Có lẽ vì mình là con trai nên việc điều khiển cảm xúc cũng dễ dàng hơn. Mình đã mạnh mẽ hơn thời gian đầu qua đây học tập.
Hơn nữa ở Nhật Bản cộng đồng người Việt cũng hết sức quan tâm và chia sẻ với nhau. Bọn mình vẫn gặp gỡ nhau dịp Tết, tổ chức nấu nướng những món ăn quê nhà và vui vầy sum họp".
Minh Đức vẫn dành tiền để mua nguyên liệu làm bánh chưng, luộc một con gà, rán một vài chiếc nem, nấu bát canh sườn rau củ… Để đỡ nhớ vị Tết quê nhà.
Đầu năm những người Việt xa quê như Đức lại cùng nhau tụ họp, trao lì xì và dành cho nhau những lời chúc mừng năm mới.
"Cuộc sống xa nhà cho mình trưởng thành và chín chắn. Dù nói "không buồn" là nói dối nhưng chúng mình hiểu rằng, chỉ cần trong lòng luôn nhớ đến gia đình, nhớ về quê nhà là sẽ có động lực để tiếp tục học tập và làm việc. Rồi sớm thôi mình sẽ trở về để cùng bố mẹ đón một cái Tết đoàn viên", Đức cười nói.
Cố gắng một chút rồi năm sau sẽ về
Chung nỗi buồn xa nhà với Thu Hà và Minh Đức, Kiều Vân lúc mới sang Hàn Quốc du học chỉ cần nhắc đến Tết là cả một nỗi buồn.
"Tết là thèm cảm giác ở bên gia đình nhất. Mình chỉ muốn ở nhà cùng mọi người đêm giao thừa ăn bữa cơm cùng xem Táo Quân. Nhưng bên này có khi cả Tết cũng không được nghỉ.
Mỗi lần gọi điện mà chúc Tết gia đình qua điện thoại là cả nhà ai cũng khóc cả. Mình cũng như nhiều bạn du học sinh xa nhà, rất muốn về quây quần nhưng do tình hình dịch bệnh, chi phí đi lại tốn kém đắt đỏ. Thêm vào đó là thủ tục cách ly, xét nghiệm rườm rà, mất nhiều thời gian nên về quê là hành trình còn xa lắm".
Vậy nên cứ mỗi khi mọi người hỏi: "Tết này về không?" Vân chỉ cười cho qua và bảo rằng bận việc học nên không về được.
Cứ thế, mỗi đêm giao thừa, Vân tự dặn lòng, cố gắng chút nữa năm sau nhất định sẽ về. Rồi năm này lại tiếp tới năm sau, dịch Covid-19 không hạ nhiệt khiến cơ hội về quê của những du học sinh như Vân ngày càng khó nói.
Theo Dân trí
Người Việt ở châu Phi, Á, Âu đón Tết: Nâng niu lọ dưa hành, chiếc bánh tét
Dù đang sinh sống ở nơi đâu trên thế giới, người Việt vẫn luôn nhớ về cội nguồn, nhớ về Tết như một hương vị không thể thay thế.