Chuyện tình xuyên biên giới

Sinh ra tại huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), chị Vũ Thị Xuân (28 tuổi) từng có công việc ổn định ở quê nhà. Tuy nhiên, khi gặp gỡ người đàn ông Hàn Quốc hơn mình 15 tuổi, chị đã quyết định rời xa gia đình, sang thành phố Tongyeong thuộc tỉnh Gyeongsang Nam (Hàn Quốc) làm dâu.

{keywords}
Ảnh cưới của vợ chồng chị Xuân.

Chị chia sẻ: ‘Tôi quen anh năm 24 tuổi, qua sự giới thiệu. Ở quê tôi nhiều người lấy chồng Hàn Quốc nhưng tôi khá e ngại. Tôi lo rằng anh hơn mình nhiều tuổi, bất đồng ngôn ngữ. Nếu lấy anh, tương lai sẽ ra sao?

Lúc đó tôi chưa biết tiếng, mọi giao tiếp đều có phiên dịch. Dần dần tôi cảm nhận được tình cảm chân thành của anh dành cho mình. Cả hai thân thiết hơn, tôi bắt đầu đi học tiếng Hàn để giao tiếp, trò chuyện với anh’.

Sau đám cưới theo kiểu truyền thống ở Việt Nam, chị Xuân theo chồng về nước.

‘Tongyeong là thành phố ven biển, tập trung đông người Việt Nam sinh sống. Hai vợ chồng ở riêng trong căn hộ nhỏ xinh. Nhà bố mẹ chồng cách nơi tôi sống khoảng 15 phút lái xe. Chồng tôi kinh doanh trong một khu chợ.

Những ngày mới sang, tôi bị trầm cảm vì chưa kịp thích nghi với môi trường, văn hóa quê chồng. Tiếng Hàn tôi cũng mới chỉ bập bõm vài câu, chưa thể giao tiếp trôi chảy. Nhiều câu người ta nói tôi không hiểu. Cảm giác rất lạc lõng.

May mắn nhờ bố mẹ chồng thương yêu, chồng quan tâm, tôi cũng vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Mẹ chồng biết tôi bỡ ngỡ, bà không hề tạo áp lực mà tận tình hướng dẫn tôi mọi thứ. Lúc nào nói tôi không hiểu, bà ra hiệu bằng tay’, cô dâu Việt kể.

{keywords}
Vợ chồng chị Xuân bên con trai út.

Gia đình chồng chị Xuân có tư tưởng khá hiện đại. Thay vì bắt con dâu ở nhà, sinh con ngay, họ tạo điều kiện để chị đi làm, mở mang kiến thức, giao lưu với mọi người.

‘Tôi đi làm hơn một năm mới sinh con đầu lòng. Đa số việc nhà, chồng tôi đảm nhiệm. Anh thuộc mẫu người của gia đình, tâm lý. Làm việc vất vả cả ngày nhưng về vẫn phụ vợ rửa bát, hút bụi, giặt quần áo và thay bỉm cho con. Anh chăm con khéo léo hơn tôi nhiều.

Cuộc sống vợ chồng tôi khá bình dị, không giàu có nhưng vui vẻ. Ông xã lúc nào cũng dành hết điều tốt đẹp cho vợ con.

Ông xã tôi yêu Việt Nam, những trận có đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu, anh đều theo dõi. Thời điểm các tuyển thủ U23 Việt Nam sang Tongyeong tập huấn, chồng tôi nghỉ làm, đưa vợ con đến sân vận động chào hỏi mọi người’, chị Xuân mỉm cười cho biết thêm.

{keywords}
Chị Xuân chụp ảnh cùng HLV Park Hang Seo khi đội tuyển U23 tập huấn tại Tongyeong.

Tết xa xứ vẫn đủ bánh chưng, dưa hành

Theo lời chị Xuân, Tết của người Hàn Quốc cũng giống Việt Nam. Tuy nhiên, người Hàn chỉ ăn Tết trong 3 ngày: Mùng 1, mùng 2 và mùng 3.

Vào ngày 30 Tết, các gia đình lo dọn vệ sinh sạch sẽ nhà cửa. Buổi tối trước giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để 'tẩy trần'. 

Nhà nào cũng treo ‘Bok jo ri’ ở ngoài cửa. Bok jo ri là một cái xẻng bằng rơm dùng để hốt thóc gạo rơi vãi. Người Hàn quan niệm, treo vật này ngoài cửa sẽ nhận được phúc lộc quanh năm.

{keywords}
Mâm cơm cúng ngày đầu năm tại nhà chồng chị Xuân.

‘5 giờ sáng mẹ chồng tôi sẽ dậy chuẩn bị bày mâm cúng. Thường các đồ cúng được chuẩn bị sẵn. Tôi cũng đến từ chiều hôm trước giúp đỡ mẹ.

Các con cháu quây quần cùng ông bà làm lễ. Ngày mùng 1 Tết có ý nghĩa rất quan trọng vì đó là ngày đầu tiên của một năm mới. Mọi người mặc trang phục truyền thống Hanbok, cả gia đình cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên.

Sau lễ nghi này, những người ít tuổi trong gia đình sẽ cúi lạy những người lớn tuổi trong gia đình. Người lớn tuổi sẽ chuẩn bị tiền mừng tuổi hoặc món quà cho các cháu.

Bên cạnh hoa quả, mẹ chồng tôi chuẩn bị: Cá rán, đậu rán, trứng rán, thịt rán trứng, khoai lang rán bột mì, bánh tấc, thịt luộc’, chị Xuân kể.

Với tổ ấm nhỏ của mình, chị Xuân mua bánh chưng, dưa hành, giò chả cúng vào dịp đầu năm, để con biết thêm về văn hóa quê mẹ.

‘Tôi làm thêm nem rán, món cuốn của Thủy Nguyên (Hải Phòng), nấu thêm bát canh khoai tây cà rốt. Chồng tôi thích món ăn Việt nên anh rất hào hứng vào bếp, cùng vợ chế biến. Riêng món nem, anh thường xung phong gói’, người phụ nữ này nhớ lại.

Làm dâu Hàn Quốc hơn 3 năm, có cuộc sống hôn nhân vô cùng hạnh phúc, sinh được 2 cậu con trai kháu khỉnh nhưng mỗi dịp Tết đến, chị đều da diết nhớ quê hương. 

‘Tết đầu tiên xa quê thực sự là kỷ niệm khó phai. Tôi nhớ bố mẹ, nhìn cảnh người ta quây quần, chúc tụng nhau, mình cũng chạnh lòng. Tự nhiên nước mắt trào ra, chồng thương, đưa tôi đi chơi, gặp gỡ bạn bè Việt Nam đang sống tại Hàn Quốc.

Giao thừa bên này không bắn pháo hoa mà mọi người ngồi chơi bài, hàn huyên. Không khí cũng không nhộn nhịp, tấp nập như ở Việt Nam nên lúc đó tôi khá hẫng hụt.

Năm nay, chồng tôi có kế hoạch đưa vợ con về quê ngoại ăn Tết khoảng 10 ngày. Anh đã đặt vé máy bay. Dự kiến gia đình tôi sẽ về Việt Nam vào ngày 20/1/2020. Sau Tết, anh sẽ đón bố mẹ vợ sang du lịch Hàn Quốc’, chị Xuân bộc bạch.

Nồi bánh chưng cuối năm của người Việt ở Úc

Nồi bánh chưng cuối năm của người Việt ở Úc

Lửa bùng lên. Mọi người quây quần bên ánh lửa. Nồi bánh chưng của người Việt trên đất Úc sôi lên sùng sục mang thanh âm ngày Tết...

Diệu Bình