Tổ chức Tết cùng cộng đồng xa xứ
Chị Phương Nga (44 tuổi, Nhật Bản) trải qua 22 năm du học và làm việc tại Nhật Bản. Hiện chị công tác tại một công ty IT Việt Nam có văn phòng ở Tokyo.
Sống 22 năm ở Nhật, chị Nga chỉ có một lần duy nhất về Việt Nam ăn tết Nguyên đán. Những năm còn lại, chị không về được do dịp Tết trùng vào thời gian đi học, làm việc ở Nhật.
Chị Nga đang sinh sống ở khu vực Kasai, quận Edogawa. Đây là một trong những nơi có đông người Việt sinh sống nhất tại Tokyo.
Xóm Kasai là cách gọi thân quen mà người Việt Nam sống tại đây thường dùng mỗi khi nhắc đến cộng đồng. Đúng với cách sống ở thôn xóm, cư dân xóm Kasai sinh hoạt, giao lưu rất thân thiện, đoàn kết.
Ban đầu, các gia đình người Việt trong xóm Kasai giao lưu với nhau theo từng nhóm nhỏ. Về sau, thông qua các hoạt động như giải chạy marathon, vui tết Trung thu, mừng Giáng sinh… nhiều gia đình có cơ hội kết nối, hình thành nên cộng đồng lớn mạnh.
Trong cộng đồng này, các gia đình có trẻ em ở độ tuổi đi học chiếm phần lớn. Nhiều phụ huynh ý thức việc giữ gìn văn hóa Việt cho thế hệ kế cận. Trong xóm, không ít gia đình duy trì hoạt động đọc truyện tiếng Việt, thậm chí, có người còn đóng vai trò giáo viên, mở lớp dạy tiếng Việt cho các bé. Đây là cách mà bố mẹ nhắc nhở các con không quên tiếng nói dân tộc.
Nỗ lực truyền tải văn hóa Việt của phụ huynh xóm Kasai khiến chị Nga rất đỗi tự hào. Tiếp nối nỗ lực đó, ngay từ đầu tháng 1/2024, chị Nga và một số người bạn đã đề xuất tổ chức Tết cộng đồng cho người Việt ở Kasai. Ý kiến của chị được các gia đình hưởng ứng nhiệt tình trong đó có gia đình anh Tú và chị Thu Vân.
Chị Nga chia sẻ: “Gia đình tôi có một bé trong độ tuổi mẫu giáo. Bởi vậy, tôi luôn tâm niệm cần phải tạo cơ hội, không gian cho các cháu được trải nghiệm văn hóa Việt. Trong đó, việc giao lưu văn hóa, nói tiếng Việt trong các dịp đặc biệt như tết Nguyên đán là rất cần thiết.
Đồng thời, thông qua hoạt động vui Tết cổ truyền, chúng tôi muốn người Việt xa quê hiểu họ không hề đơn độc trên xứ người”.
Gia đình chị Nga sinh sống ở khu vực Kasai được hơn chục năm, nên khá thông thuộc địa bàn. Vì vậy, các chị em ở xóm thường tin cậy, giao phó nhiệm vụ “hô hào” cho chị Nga.
Sau khi thống nhất kế hoạch tổ chức và tổng hợp số lượng người tham gia, nhóm tổ chức chia thành nhiều ban nhỏ, nhận các nhiệm vụ khác nhau.
Bộ phận phụ trách trang trí sân khấu đã tự làm mô hình bánh chưng, tràng pháo, chuẩn bị mâm ngũ quả, quà tặng lì xì cho các bé… Nhóm nhận nhiệm vụ lo phần tiệc nhẹ cũng cố gắng chăm chút từng đĩa bánh kẹo, mứt Tết… Phần hình ảnh, âm nhạc vô cùng chỉn chu.
“Tuy là nghiệp dư nhưng các chị em đều thực hiện mọi việc rất trách nhiệm, phối hợp cực kỳ ăn ý”, chị Nga tự hào.
Do khó khăn trong việc thuê địa điểm nên chương trình vui Tết phải tổ chức vào chiều mùng 2 Tết, tức ngày 11/02/2024.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của gần 100 người, bao gồm người lớn và các bé nhỏ xúng xính trong bộ áo dài truyền thống khiến hội trường thật náo nhiệt, không khác gì ngày mùng 1.
“Tết này con sẽ về”
Chị Thu Vân cùng gia đình sống ở Nhật hơn 10 năm. Lần gần nhất cả nhà chị về Việt Nam ăn Tết là năm 2016. Với ngần ấy năm xa xứ, chị Vân thấm nỗi nhớ nhà, nhớ quê vào mỗi dịp Tết cổ truyền. Vì vậy, chị hưởng ứng ngay lập tức khi chị Nga đưa ý kiến tổ chức Tết cho cộng đồng người Việt ở Kasai.
Kịch bản chương trình văn nghệ Tết đã được đưa ra nhanh chóng và phong phú với nhiều tiết mục đăng ký, từ đơn ca, song ca đến đồng ca…
Các bé trổ tài hát tiếng Việt trong chương trình văn nghệ mừng xuân. Ảnh: Đoàn Sỹ Long
Chị Thu Vân cho biết: “Ở Kasai, các bé có thể giao tiếp tiếng Việt từ cơ bản đến thành thạo. Vì vậy, ban tổ chức khuyến khích các bé lựa chọn những bài hát tiếng Việt để biểu diễn. Điều này một lần nữa nhắc nhở người Việt xa quê giữ gìn tiếng nói, cội nguồn dân tộc”.
Ngày Tết ở Kasai, không chỉ các bé hồn nhiên hát "Xúc xắc xúc xẻ", "Con cò bé bé" mà phụ huynh cũng gửi gắm tình cảm vào các ca khúc "Đoản xuân ca", "Tết bình an"…
Nhiều bài hát chạm đến trái tim của người nghe, trong đó cháu Gia Bách (16 tuổi, con trai chị Vân) thể hiện ca khúc "Tết này con sẽ về" khiến hội trường xúc động, có người rơi nước mắt.
Ngoài các tiết mục văn nghệ, chương trình còn có phần "Kể chuyện về ngày Tết". Chị Vân lựa chọn cuốn sách “Thế mới là Tết” do Nhã Nam và NXB Hà Nội phát hành, thể hiện dưới hình thức pop-up giúp trẻ háo hức khám phá Tết.
Các bé chăm chú lắng nghe, hình dung về Tết quê qua sắc hồng của hoa đào, sắc vàng của hoa mai, màu xanh của lá dong gói bánh chưng...
Các bé thích thú nghe chị Thu Vân kể chuyện về Tết và hào hứng nhảy sạp. Ảnh: Đoàn Sỹ Long
Đến tiết mục lì xì, các bé ngoan ngoãn xếp hàng, cảm ơn thật to khi được trao phong bao đỏ thắm.
Đặc biệt, để chương trình mang đậm chất Tết, nhóm các bố đã cất công đi tìm những cây tre dài, bọc màu cẩn thận để dựng trò nhảy sạp. Ở Nhật, loại tre cỡ dài khá hiếm, khó tìm. Thế nên, màn múa sạp vừa khiến mọi người hào hứng vừa khâm phục sự dày công của ban tổ chức.
Điều mà các gia đình chung sức tổ chức Tết ở Kasai tâm đắc nhất là tạo ấn tượng sâu sắc trong tâm khảm của các cháu nhỏ. Từ các hoạt động vui chơi, bố mẹ ở xóm Kasai khéo léo nhắc nhở các con, dù sống ở bất cứ nơi đâu, đã là người Việt thì phải nhớ về Tết sum vầy.