Đại thi hào Nguyễn Du có viết:
"Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa"
Cái nghiệp muốn nói ở đây là cái "máu văn nghệ". Hoạt động văn nghệ đã giúp chúng tôi quên đi sự thiếu thốn và khó khăn gian khổ trong thời chiến của những ngày sơ tán trên miền xa xứ Lạng. Hai lớp tạm gộp thành một lớp ở bản Nà Pò, hình thành một nhóm tốp ca mà át chủ bài là tôi và Thông.
Trong tốp còn có Vũ, Dũng, Tùng, Ngôn, Tuấn... Trương Hùng Cường chuyên sáng tác, huấn luyện và chỉ huy hát hợp ca. Ngoài "máu mê" sáng tác, Cường còn "múa" guitar cực giỏi. Từ Nà Pò, Cường cho ra đời nhiều bài hát để chúng tôi hợp ca và tốp ca cho văn nghệ khoa.
Lực lượng chủ lực của văn nghệ khoa lúc bấy giờ là tốp ca nam hai lớp chúng tôi, hát múa nữ là tốp nữ hai lớp Xây dựng - Đô thị K9 như Nghiêm Thanh, Kim Hương, Việt Hương, Giàng, Khánh, Loan... Kịch thì nòng cốt là các bạn ở lớp Xây dựng Cầu đường K8 như Ứng, Lực...
Thường thì bài hát do Cường sáng tác. Có thể từng phần, Cường cùng chúng tôi mang guitar ra bìa rừng hoặc bờ suối để dựng, thử và hoàn chỉnh. Trong bài hợp ca nam nữ Về rừng sáng tác thời gian đầu mới đến, khi biểu diễn, tôi là người lĩnh xướng. Bài này mô tả thực tế từ lúc chúng tôi lên tàu từ Hà Nội đến Đồng Đăng, rồi hành quân theo đường số 4 và vào sâu hơn nữa, với mở đầu :
"Từ miền đồng xanh ta lên đường về đây
Đoàn tàu đưa ta băng núi non xanh rờn
Dốc núi cao in ngàn vết chân ta
Mặc nắng mặc mưa, dốc trơn hay đường xa
Về cùng rừng xanh ta hát ca vang lừng"
Tôi lĩnh xướng:
"Ơ ta băng băng qua muôn ngàn dốc núi
Ta nghe trong ta bao niềm vui mới
Bước chân ta in vết trên đèo
Những áo chàm nép bóng trông theo
Lòng vui"
Rồi hợp ca:
"Hôm nay ta xây nhà tranh vách nứa
Mai ta xây nhà rộng cao ngất trời
Rừng ơi..."
Đúng là chúng tôi đã băng đồi vượt suối rất nhiều. Bóng chúng tôi in dài trên những dốc đèo cùng với hoa mơ, hoa mai nở trắng rừng... Đó là sự thật. Gian khó mà vui và đẹp. Còn khu vực chúng tôi ở, đa số là người Tày, thường mặc áo chàm. Hình ảnh "những áo chàm nép bóng trông theo" thường xuất hiện ở các bản khi chúng tôi đến và lúc chúng tôi ra về.
Lúc đó, hầu như cả bản người già, người trẻ, cả nam cả nữ đều trông theo lưu luyến... Những ánh mắt của người dân ấy không sao quên được.
Câu "Hôm nay ta xây nhà tranh vách nứa" là thực tế mà tôi đã sửa lại cho Cường. Lúc đầu tác giả viết là "nhà tranh vách đất". Tôi bảo chữ "đất" hơi khó hát. Vả lại vách ta làm bằng nứa thật, còn lợp mái bằng nứa mà hát "nhà nứa" khó hát nên hát là "nhà tranh" cho dễ. Tranh bằng cỏ tranh hay nứa thì cũng là tranh.
Tuy nhà ta làm không phải xây bằng gạch nhưng hát chữ "làm" không được, mà cứ để chữ "xây" thuận phát âm hơn. Vài năm sau này, Cường sửa là "Trên lưng nương vườn ngô bát ngát, dưới chân đèo đồng xanh lúa reo rì rào". Kể ra hát thế thì thuận âm nhưng không nêu bật cái thực tế đã có và cái tương lai sau này như bài "Ánh sao đêm" của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu.
Kết thúc bài hát, tất cả đều ngân: "Rừng ơi ơ ớ ơ ờ" kéo dài làm cho nó lan tỏa, tan vào không gian mênh mông của núi rừng, của những đêm trăng với bầu trời đầy sương lạnh... Nó có một cái gì man mác, lãng mạn của những ai đã đến nơi này.
Suốt thời gian sơ tán, ngoài giờ học, lao động là chúng tôi hát. Hát ở bản Nà Pò, hát ở bản Khâu Khiu, hát ở nhiều bản khác và hát ở bản Đào Viên sát biên giới.
Tết năm đó, ngoài một số bạn về nhà, đa số chúng tôi ở lại bản. Cường dẫn đầu với cây guitar. Tôi, Thông, Vũ, Hùng... lên đường đi chơi và hát ở các bản lân cận. Mấy ngày Tết, chúng tôi đến nhiều bản và hát bên bếp nhà sàn với ngọn lửa bập bùng, ngoài trời là mưa phùn và gió lạnh. Chúng tôi hát say sưa.
Người già, người trẻ nhìn chúng tôi không chớp mắt. Bà con dân tộc ít người coi chúng tôi như những chiến sĩ văn nghệ được Đảng, Chính phủ cử về. Vì từ bao đời nay làm gì có "văn công" về hát bên bếp lửa nhà sàn của mình như vậy.
Tuy chúng tôi là sinh viên đi học kỹ thuật xây dựng, không phải người làm văn nghệ chuyên nghiệp nhưng qua những lần như thế, nhìn thái độ mong chờ, quý mến của bà con, chúng tôi tự thấy mình như có trách nhiệm mang một phần văn hóa văn nghệ cách mạng về với bản làng.
Bao nhiêu năm, từ ấy cho đến bây giờ, phương tiện nghe nhìn của dân bản đã phong phú và hiện đại. Đồng bào đã được thưởng thức nhiều chương trình đặc sắc trong nước và thế giới. Nhưng nói về những ngày ấy, nơi núi rừng xa xôi thiếu ánh sáng, văn nghệ dù đơn sơ chút ít nhưng chúng tôi tự mình mang đến thật đáng quý. Chao ôi, không thể quên "miếng cơm khi đói" ấy.
Để tăng cường tình nghĩa với Đào Viên là xã biên giới, khoa tổ chức cho đội văn nghệ đi biểu diễn vào Rằm tháng Giêng âm lịch. Chúng tôi lên đường vào buối sáng. Khi đi chúng tôi còn tương trợ nhau xách hộ đạo cụ hay đàn to nặng như kèn saxophone của Ngợi - Cầu đường K8, hoặc accordion của khoa do Thông và Cầm về Hà Nội lấy lên cho Tuấn, Kiểm hay anh Xuân thay nhau chơi.
Anh Ẩn lớp Đô thị làm trưởng đoàn. Đón chúng tôi dọc đường là cả mùa xuân mới đến của miền biên giới
Lạng Sơn, gió lạnh thổi từng hồi làm cho cánh hoa đào, hoa mơ, hoa mai đung đưa như chào, như gọi. Hình ảnh này làm tôi nhớ đến bài thơ của nhà thơ Khương Hữu Dụng:
"Đợi anh vợi mùa xuân
Chẳng thấy anh trở lại
Chỉ thấy chim én về
Và hoa đào vẫy mãi..."
Thật bất ngờ, dân bản tổ chức một đoàn ra đón chúng tôi, có cờ, có hoa, có trống, có kèn, có cả bánh ngọt và nước uống. Điểm đón cách bản hơn cây số. Sau trống kèn chào mừng của dân bản, chúng tôi nghỉ chân một lát để ăn bánh, uống nước và nghe dân bản kể rằng, vì mấy ngày nay mưa, tối qua dân bản phải gánh đất và trấu rải trên mặt đường để đường khô ráo cho chúng tôi vào bản.
Nhiều mế, nhiều ké và thanh niên, trẻ con đã đi bộ một, hai chục cây số đến từ mấy hôm trước để chờ xem. Vào bản, hầu như tất cả dân bản đều có mặt để hân hoan chào đón. Chúng tôi được phân công về các nhà để nghỉ ngơi. Nhà nào cũng yêu cầu phải có ít nhất một hai người, nếu không thì dỗi và bắt đền. Vì không đủ diễn viên về các nhà nên các giáo viên của khoa cùng đi phải làm nhiệm vụ này.
Đào Viên là xã biên giới. Nơi chúng tôi đến là bản lớn có đến mấy chục nhà. Nhà nào trông cũng tươm tất, khá giả. Cánh diễn viên không phải lo việc sân khấu, nên được ở nhà nghỉ dưỡng. Nói là được nghỉ nhưng suốt buổi phải tham gia nhiều cuộc mời mọc của gia đình và hàng xóm, hay người các bản khác đến xem.
Đêm ấy người tụ tập rất đông. Đông người xem là nguồn cổ vũ rất lớn cho đoàn. Chúng tôi biểu diễn dưới ánh sáng của hai chiếc đèn măng sông và những đống lửa đốt bập bùng ở phía trước sân khấu. Chắc do sát biên giới nên vắng máy bay hoạt động. Chúng tôi diễn đủ các tiết mục từ hợp ca, tốp ca nam và nữ, song ca nam, song ca nữ, song ca nam nữ, tốp ca nam, tốp ca nữ, múa, kịch và nhảy vòng lửa...
Tiết mục nhảy vòng lửa do Phong lớp Đô thị mang tới. Trước đó ở Nà Pò đã tập trước. Bà con rất thích tiết mục này, bởi các bạn nhảy qua vòng lửa rất điệu nghệ không kém gì diễn viên xiếc. Càng về khuya, chúng tôi diễn càng say sưa, quên cả cái lạnh đầu tháng Giêng ở miền biên giới. Người xem say sưa, thích thú với sự kiện có một không hai từ bao nhiêu năm mới có lần này.
Nghe đồng bào nói, nhìn từ ánh mắt đến nụ cười của mỗi người là chất men, là động lực cho hoạt động văn nghệ nghiệp dư của chúng tôi trong thời chiến, lại ở vùng biên viễn thế này. Hoạt động đó chính là văn nghệ cách mạng đến với bà con dân bản. Hoạt động đó được người dân tiếp nhận với tất cả sự hào hứng, say sưa, chân thành đến thân thương như thế.