Tại Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) và Sở Công thương TP. HCM tổ chức ngày 28/02, Tổng Giám đốc THACO Phạm Văn Tài đã có ý kiến về việc các doanh nghiệp nhỏ thường bị ép giá, làm đơn lẻ sẽ khó đảm bảo được mức lợi nhuận.
Ông nói: Các doanh nghiệp nhỏ khi mới bắt đầu tham gia chuỗi cung ứng, nhận những đơn hàng đầu tiên đừng vì khách hàng ép giá mà sợ, hay bỏ cuộc. Hãy xem đó là một áp lực, thách thức cần phải vượt qua vì khi làm được chúng ta sẽ có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng.
Hội thảo có sự tham gia của gần 200 khách mời là lãnh đạo các cấp Trung ương, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và lãnh đạo các địa phương ở khu vực Đông Nam Bộ; Các Hiệp hội; Doanh nghiệp; Chuyên gia trong và ngoài nước cùng thảo luận, đưa ra các giải pháp, đóng góp nhằm hiến kế thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ Việt Nam.
Tại chương trình, Tổng Giám đốc THACO cho rằng: Việc hợp lý hoá chuỗi sản xuất, cắt giảm chi phí, tránh lãng phí là cần thiết. Đồng thời, khi các doanh nghiệp kết nối, tận dụng những lợi thế sẵn có của nhau có thể đáp ứng các yêu cầu cho những đơn hàng này và có lợi nhuận. Nếu có sự liên kết, các doanh nghiệp Việt sẽ không sợ bị "ép" và có thể vượt qua những thách thức để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Nhưng điều này sẽ thách thức với doanh nghiệp nhỏ và họ phải tìm cách thức kết nối với những đối tác khác để đáp ứng đơn hàng của khách. Quan trọng là nhà mua hàng hài lòng, thỏa mãn với các sản phẩm cung ứng của mình và họ sẽ mua lâu dài, tin cậy. Chúng tôi từng làm những đơn hàng huề vốn để có sự đồng hành lâu dài”, Tổng Giám đốc THACO nói thêm.
Công bố khảo sát về tình hình thực tiễn của doanh nghiệp, bà Bùi Thị Hồng Hạnh, giám đốc điều hành NC Network, cho rằng, những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt đó là tiếp cận khách hàng, thông tin thị trường, nguồn nhân lực, thiết bị máy móc, vấn đề tài chính, tiêu chuẩn chứng chỉ liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu...
Cùng với đó là khó khăn về quy trình lập kế hoạch sản xuất, quản lý và theo dõi kế hoạch, thực thi và cách hiểu của đội ngũ cán bộ. Doanh nghiệp cũng đối diện với những vấn đề như tuyển dụng nhân sự, đào tạo nâng cao năng lực.
Đồng thời, DN cũng mong muốn có lãi suất hợp lý, cần được dùng tài sản thế chấp là máy móc thay vì chỉ là bất động sản. Quy hoạch các khu công nghiệp theo chuỗi cung ứng, Nhà nước có chiến lược dài hạn, xác định ngành công nghiệp mũi nhọn để doanh nghiệp không thể phụ thuộc vào bên ngoài và yên tâm phát triển.
Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi dòng vốn dịch chuyển và hàng loạt tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh đầu tư. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước cũng có nhiều hoạt động đón đầu. Cụ thể, Tập đoàn THACO INDUSTRIES thuộc THACO đã đẩy mạnh nâng cấp công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư các dự án như: Trung tâm Cơ khí, Trung tâm R&D; ký kết hợp tác với tỉnh Bình Dương triển khai dự án KCN cơ khí và công nghiệp hỗ trợ với vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng. Đây là cơ sở để tập đoàn nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và hàm lượng công nghệ trong sản phẩm, gia tăng lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đồng thời kết nối, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng hợp tác, phát triển sản xuất kinh doanh, tham gia chuỗi sản xuất do THACO INDUSTRIES làm đầu chuỗi, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp, hội thảo đã đưa ra những giải pháp, chính sách phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp TP. Hồ Chí Minh nói riêng và ngành công nghiệp cả nước nói chung phát triển hơn nữa.
Ngọc Tuyền