Nằm ở độ cao địa hình khoảng 170m, mực nước chảy đều quanh năm nhưng nước lớn và đẹp nhất là vào thời điểm mùa hè và mùa thu, thác Bản Ba được mệnh danh “nàng thơ ngủ trong rừng” của Tuyên Quang.
Sở dĩ Bản Ba được xếp vào danh sách một trong những ngọn thác độc đáo tại Việt Nam bởi cấu tạo chuỗi thác liên hoàn với 3 tầng đổ nước thẳng đứng xuống từ độ cao hàng chục mét. Bên cạnh đó, Bản Ba còn phân nhánh ra thành nhiều thác nhỏ chảy róc rách xung quanh con thác chính.
Ảnh: Hưng Đặng, Hữu Bình
Tầng thác thứ nhất có tên gọi là Tát Củm, chân thác được người dân địa phương gọi là "Vực rồng", nơi có vách đá giống như hình rồng cuốn. Tầng thứ hai khó chinh phục hơn nhưng cũng là tầng được đánh giá đẹp nhất tại con thác với cái tên Tát Cao. Tầng này được chia làm hai nhánh với nước chảy trắng xóa tựa dải lụa đào vắt ngang qua triền núi. Ở dưới chân thác, du khách có thể tham quan, chụp ảnh, tắm thác, trèo sup… tại vực nước trong xanh có tên “Vực Quyên”. Tầng cuối cùng cũng là địa điểm khó chinh phục nhất là tầng Tát Gió chảy dọc theo những phiến đá vôi xuống vực sâu có tên "Vực Linh".
Ảnh: Du lịch Thác Bản Ba
Giữa những tầng xanh thăm thẳm của rừng, dòng thác liên tục đổ xuống trắng xóa từ độ cao hàng chục mét. Dòng nước mát lạnh, trong vắt xua tan đi cái nóng bức mùa hè. Do có chiều dài lớn, du khách muốn khám phá được hết các tầng thác sẽ trekking trong một ngày với rất nhiều hoạt động như: đi bộ theo con thác, khám phá lòng thác, tắm ở các chân vực, thưởng thức bữa ăn giữa dòng nước mát…
Ảnh: Hưng Đặng
Điều đặc biệt của thác Bản Ba không chỉ nằm ở con thác, mà còn ở cảnh quan xung quanh. Thác nằm giữa khu rừng nguyên sinh với độ phủ xanh lên tới 93%, được kiểm lâm bảo vệ nghiêm ngặt. Vậy nên bầu không khí lúc nào cũng trong lành, mát mẻ, dễ chịu. Trekking dưới những tán lá rừng già mang đến cho du khách cảm giác hoang sơ, bình yên nhưng cũng khá hồi hộp và thử thách.
Thác Bản Ba dù được chứng nhận là Danh thắng Quốc gia từ năm 2007, thế nhưng gần đây mới được đưa vào làm du lịch. Tuy vậy, dịch vụ ở đây khá bài bản và đầy đủ với đồ bảo hộ, áo phao ở khu vực dễ trơn trượt, porter người bản địa dẫn đường, chuẩn bị đồ ăn…Du khách cũng có thể cắm trại hoặc ở trong những căn nhà sàn của người Tày để tìm hiểu văn hóa, đời sống của người dân.