Lý Chá Viễn sinh năm 1991 ở Tế Nam, Sơn Đông (Trung Quốc). Lên 8 tuổi, bố mẹ ly hôn Chá Viễn sống với mẹ. Vì bận việc bố mẹ ít có thời gian quan tâm con, về sau anh dần trở nên ít nói và thành tích học tập tụt dốc. 

Lo lắng tình hình của con trai, mẹ quyết định để Chá Viễn về sống với ông nội. Anh được ông dạy học hàng ngày và đưa đi khắp nơi để trải nghiệm cuộc sống. Đồng thời, ông nội cũng khai sáng cho anh dù bố mẹ ly hôn nhưng họ vẫn yêu thương Chá Viễn.

Sau này, ông còn kể cho Chá Viễn nhiều câu chuyện về cuộc đời vĩ đại của các nhà khoa học ở Trung Quốc. Điều này truyền cảm hứng cho anh trở thành người có ích cho đất nước. Dưới sự dạy bảo của ông, Chá Viễn chăm chỉ học tập.

Ông nội giúp anh xây dựng kế hoạch học phù hợp. Lúc này, nam sinh bắt kịp được bạn bè và đạt nhiều thành tích nổi bật trong học tập. Sau khi tốt nghiệp THCS, Chá Viễn được tuyển thẳng vào Trường Trung học Ngoại ngữ Hạ Môn (Trung Quốc). 

4e23b2667f7e9a0241f93031925f34dc.jpg
Lý Chá Viễn từ bỏ mức lương 1 triệu USD/năm để về nước khởi nghiệp. Ảnh: Baidu

Đích đến là Đại học Yale (Mỹ) theo định hướng của ông nội, Chá Viễn tập trung học từ lớp 10. Tuy nhiên, càng học nam sinh lại càng đuối và chệch khỏi mục tiêu. Vừa tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học trong nước vừa đăng ký xét tuyển các trường ở Mỹ khiến Chá Viễn bị quá tải. 

Lúc này, anh quyết định không thi Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) để dồn toàn lực vào Đại học Yale (Mỹ). Để hướng đến mục tiêu, Chá Viễn phải vượt qua kỳ thi TOEFL và SAT. Nhớ lại thời gian đó, Chá Viễn cho biết, học mọi lúc mọi nơi, từ trên giường, trên bàn, thậm chí cả khi tắm hay đi vệ sinh. Nhưng vì phương pháp học tập sai khiến việc tiếp thu kiến thức quên ngay sau đó.

Anh xác định nếu tiếp tục học như vậy dù chăm chỉ cũng khó đỗ Đại học Yale (Mỹ). Nhận ra phương pháp ôn luyện không khoa học, Chá Viễn tự tìm cách học phù hợp với bản thân. Với sự cố gắng không ngừng, cuối cùng nam sinh tìm ra được phương pháp phù hợp. Kết quả tham gia kỳ thi TOEFL, SAT, Chá Viễn đạt lần lượt số điểm là 116/120 và 2.200/2.400. 

Đạt số điểm gần tuyệt đối, Chá Viễn nhận được giấy trúng tuyển của Đại học Yale ở tuổi 18. Anh trở thành sinh viên đầu tiên đỗ Đại học Yale chuyên ngành Kinh tế ở Phúc Kiến (Trung Quốc). Ngoài ra, nam sinh còn nhận được học bổng toàn phần trị giá 55.000 USD/năm (1,3 tỷ đồng) từ trường.

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, anh nhận được lời mời của Microsoft. Tuy nhiên, Chá Viễn đã từ chối để gia nhập Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs. Đồng hành cùng công ty 2 năm, anh nghỉ việc để khởi nghiệp. Ở tuổi 24, anh trở thành giám đốc điều hành công ty tạo ra ứng dụng du lịch. 

Trong quá trình điều hành công ty, anh gặp nhiều khó khăn. Do đó, năm 2015, anh quyết định học thạc sĩ quản trị kinh doanh (EMBA) Đại học Harvard. Thời gian học tại Harvard, Chá Viễn xuất bản được nhiều bài báo học thuật. 

Ngoài ra, một số bài viết chia sẻ về phương pháp học tập của anh cũng được đăng tải trên các nền tảng công cộng. Nhờ đó, anh thu hút được lượng lớn độc giả. Tranh thủ vừa học Chá Viễn vừa tổng kết lại các phương pháp của bản thân và cho xuất bản cuốn sách Cao thủ học tập.

Cuốn sách sau khi xuất bản nhận được sự ủng hộ của độc giả. Trong đó, nhà giáo dục nổi tiếng Chu Vĩnh Tân, MC Khang Huy của đài CCTV và ông Phàn Đặng - người sáng lập Câu lạc bộ đọc sách đều đánh giá cao. "Trong quyển sách tôi đã hệ thống hơn 100 phương pháp học tập thực tế. Tôi tin sẽ rất hữu ích đối với mọi người", Chá Viễn chia sẻ.

Năm 2017, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Harvard, Chá Viễn nhận được lời đề nghị ở lại trường làm giảng viên với mức lương 1 triệu USD/năm (hơn 24 tỷ đồng). Tuy nhiên, anh đã từ chối để về nước khởi nghiệp dự án LEO, chuyên về giáo dục giúp nhiều sinh viên trong nước thực hiện ước mơ của bản thân.

Chá Viễn được ví là bậc thầy học thuật, tiền bối quốc dân của thế hệ 9x. Với những thành công đạt được ở tuổi 28, Chá Viễn nằm trong top 30 Under 30 của Tạp chí Forbes Trung Quốc năm 2019.

Hiện tại, không chỉ là doanh nhân anh còn là tác giả của các cuốn sách truyền cảm hứng như: Tốt nhất là vượt qua; Trở thành cao thủ học tập không phải giấc mơ; Học sinh tiểu học thành cao thủ học tậpCách thăng tiến sự nghiệp...

Câu chuyện và những kinh nghiệm thực tế của Chá Viễn được chia sẻ, cho thấy, mỗi người đều có khả năng vô hạn. Dù đi theo con đường nào chúng ta cũng phải dũng cảm để theo đuổi thử thách, vượt qua mọi giới hạn và trở thành phiên bản tốt nhất.