Từ Grand Cascade đến gia tộc Frilli
Năm 1714, sau chuyến viếng thăm tòa lâu đài Versailles của Pháp, Đại đế Tzar Peter Romanov của Nga đã quyết định sẽ xây dựng một cung điện lộng lẫy hơn, có khả năng “tập hợp tất cả tinh hoa kiến trúc châu Âu thế kỷ 18”. Hơn hết, công trình này phải trở thành biểu tượng trường tồn, lưu danh hậu thế.
Ngay lập tức, Domenico Trezzini - kiến trúc sư người Ý đã từng được đích thân vua Peter mời tham gia kiến tạo thủ đô Saint Petersburg, được lựa chọn. Cung điện mùa hè mang tên Peterhof đã được xây dựng, gồm 20 tòa lâu đài đồ sộ, 7 công viên lớn.
Hơn 35 năm sau, kiệt tác “Điện Versailes của nước Nga” tiếp tục được bổ sung thêm quần thể “đại thác nước” (Grand Cascade) - tác phẩm của kiến trúc sư thiên tài người Ý Francesco Bartolomeo Rastrelli.
ADN Ý kết hợp với văn hóa bản địa Nga tạo nên một quần thể công trình ấn tượng, được mệnh danh là “đài phun nước xa hoa bậc nhất thế giới”. Nước chảy xuống dọc hai bên cầu thang 7 bậc, xung quanh là 37 bức tượng điêu khắc mạ vàng mô phỏng lại các vị thần Hy Lạp cùng nhiều bức phù điêu, bình hoa, tượng cá heo, sư tử và ếch. Grand Cascade ngay lập tức biến Cung điện mùa hè và St Petersburg trở thành “thủ đô của các đài phun nước”. Grand Cascade theo đó trở thành hình mẫu kinh điển cho các kiến trúc sư về sau.
Khởi công đầu thế kỳ thứ 18, nhưng phải mất tới 150 năm, Cung điện Peterholf mới hoàn thiện. Cũng vào khoảng thời gian này, tại thành phố Florence của nước Ý, một huyền thoại khác cũng bắt đầu được tạo dựng.
Năm 1860, Antonio Frilli thành lập Frilli Gallery trên cơ sở một tiệm trưng bày tư nhân nhỏ. Frilli Gallery trở thành một gia tộc lẫy lừng thế giới về nghệ thuật đúc đồng và điêu khắc đá cẩm thạch. Ngày nay, người ta tìm thấy tượng của gia tộc Frilli tại các bảo tàng lớn. Đó là tuyệt tác: Thiếu nữ khỏa thân trên võng (Nudo disteso sull'amaca), Cửa thánh bằng đồng (Holy bronze door) hay cầu thang xoắn ốc dẫn đến lối ra Bảo tàng của tòa thành Vatican tại Rome…
Như một sự sắp đặt, huyền thoại nghệ thuật và huyền thoại điêu khắc “gặp” nhau vào thế kỷ 21. Lần này, thách thức cho gia tộc Frilli là tái hiện lại một Grand Cascade khác biệt với những điểm nhấn có một không hai tại Bà Nà, Việt Nam.
Thách thức mang tên Thác Thần Mặt trời
Sun World Ba Na Hills từ lâu đã là một biểu tượng cho du lịch Việt, gắn với “huyền thoại” Cầu Vàng. Đây cũng là nơi nhiều tinh hoa văn hóa thế giới, từ kiến trúc, ẩm thực, nghệ thuật trình diễn được tái hiện.
“Sun Group đề nghị chúng tôi hợp tác để thiết kế một dự án đặc biệt nhằm tái tạo tại Sun World Ba Na Hills một phần quang cảnh đài phun nước tráng lệ cùng các tác phẩm điêu khắc bằng đồng theo hình mẫu tham chiếu là Cung điện Peterhof ở St. Peterburg. Đây là một lời đề nghị tuyệt vời nhưng cũng không kém phần thách thức bởi Peterhof của đại đế Tzar Peter Romanov được xem là một trong 7 kỳ quan thế giới - một công viên chủ đề có một không hai để khám phá những yếu tố tự nhiên cũng như nghệ thuật điêu khắc độc đáo”, ông Marinelli Federic Cosimo - CEO của Frilli Gallery chia sẻ.
Dự án đầu tiên tại thị trường Việt Nam của gia tộc Frilli được bắt tay vào làm ngay khi họ nhận ra vẻ đẹp và sự tráng lệ của mảnh đất này cũng như năng lực, khát vọng của Sun Group.
Một năm rưỡi thực hiện với 6.000 giờ làm việc liên tục, hơn 20 chuyên gia tham gia, 8 tấn hợp kim đồng vàng (yellow bronze) - hợp kim màu đặc biệt được cấp bằng sáng chế, lần đầu tiên được Frilli Gallery sử dụng có ánh sáng bóng đáng kinh ngạc, đặc biệt trong điều kiện ngoài trời. Tất cả được kết hợp hoàn hảo với kỹ thuật đúc cổ xưa có lịch sử lên đến 5.000 năm đã làm nên một tuyệt tác mới, bừng sáng lấp lánh giữa miền núi Chúa.
Điểm đặc biệt nhất là quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công. Đối với mỗi một tác phẩm điêu khắc, Frilli đã trải qua ít nhất 7 công đoạn khác nhau. Trong đó, giai đoạn đổ đồng vào khuôn là đặc biệt khó khăn vì hợp kim đồng màu vàng là một loại đồng rất nhớt ở giai đoạn lỏng. Việc đổ đồng vào khuôn cần phải được thực hiện ở một mức nhiệt độ không đổi và đảm bảo đồng lỏng được chạy liên tục trong đường ống, chảy vào khắp khuôn.
“Ngoài ra, mỗi lần đúc, chúng tôi sẽ phải làm ra hơn 300 bộ phận khác nhau. Trung bình, chúng tôi mất khoảng 3 tháng để có thể tạo ra một tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh” - ông Marinelli Federic Cosimo nhấn mạnh.
Gần 60 bức tượng hoàn chỉnh với kích cỡ như thật đã được hoàn thành, kịp ra mắt ngay khi du lịch Đà Nẵng đón khách trở lại.
Câu chuyện về hành trình của Thần Mặt trời Helios
Trên quảng trường Vĩnh Cửu, giữa quần thể các công trình kiến trúc châu Âu cổ của Bà Nà Hills, Thác Thần Mặt trời giống như một “điểm nhấn vàng son”, tái hiện các tác phẩm kinh điển đang được lưu giữ tại những bảo tàng lớn trên thế giới. Nhưng khác biệt là Thác Thần Mặt trời đã được khéo léo sắp đặt để kể lại một cách sinh động và đầy cảm xúc câu chuyện về hành trình của Thần Mặt trời Helios.
Theo thần thoại Hy Lạp, ngày ngày, cỗ xe của Thần Mặt trời đi lên từ biển Đông và lặn xuống ở biển Tây mang theo ánh sáng vĩnh hằng. Đó là một hành trình của sự sống, của hy vọng và tương lai tươi sáng.
Ở Bà Nà Hills, một hành trình cũng đang được viết nên như vậy. Bằng sự nỗ lực và sáng tạo không ngừng của chủ đầu tư Sun Group cùng đối tác lừng danh Frilli Gallery, một kiệt tác mới đã đời, tạo nên một cú hích góp phần vào sự khởi sắc của du lịch Đà Nẵng trong giai đoạn mới.
“Sun Group cho chúng tôi thấy sự quyết tâm cũng như thái độ nghiêm túc trong việc mang những giá trị đặc biệt từ Ý, lớn hơn là tinh hoa văn hóa thế giới đến Việt Nam để làm đẹp hơn cho các vùng đất. Với việc mang tinh hoa nước Ý tới Việt Nam, cùng với Cầu Vàng đã nổi tiếng trước đó, chúng tôi kỳ vọng Đà Nẵng nói chung và Bà Nà Hills nói riêng sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn và trở thành biểu tượng mới cho du lịch Việt Nam, điểm đến không thể bỏ qua cho khách du lịch khắp toàn cầu” - CEO Marinelli Federic Cosimo nhấn mạnh.
Doãn Phong