Tôi và P. yêu nhau tự nguyện, tình cảm thắm thiết 2 năm trời mới tính đến chuyện hôn nhân. Trong suốt thời gian yêu nhau P. luôn đối xử với tôi rất tốt, tâm lý và chiều chuộng khiến tôi mừng lắm, chắc mẩm mình đã tìm được một người đàn ông tốt.
Khi bố mẹ P. đến gia đình tôi bàn chuyện cưới xin, nghe bố thốt ra con số 300 triệu tiền thách cưới mà tôi cũng phải giật mình. Lý lẽ của ông vô cùng đơn giản, tiền thách cưới càng cao thì càng cho thấy con gái ông có giá trị và ông bà được mát mặt với láng giềng. Hơn nữa nếu nhà trai đồng ý số tiền ấy thì chứng tỏ P. yêu thương tôi thật lòng và nhà anh coi trọng tôi.
“300 triệu trong thời buổi này đâu còn là quá nhiều nữa. Giá đó để có một cô con dâu về hầu hạ vẫn còn là rẻ chán”, bố tôi đủng đỉnh nói như thế. Lúc ấy tôi giận sự cổ hủ của bố lắm, chỉ sợ vì chuyện tiền nong mà đám cưới của mình và P. bị ảnh hưởng. Ông còn chẳng bàn trước với tôi câu nào, đùng một cái nói với nhà P. như vậy. Tôi kéo áo cầu cứu mẹ nhưng trước nay mẹ lại nghe lời bố răm rắp nên chẳng có tác dụng gì.
Cứ nghĩ mẹ P. sẽ phản đối, tệ hơn là bà tức giận bỏ về. Ai ngờ mẹ chồng tương lai chẳng cò kè mặc cả câu nào, lập tức cười tươi đồng ý với với số tiền thách cưới không hề nhỏ đó. Gia cảnh nhà tôi và nhà P. đều thuộc hàng bình thường. Để chuẩn bị đủ 300 triệu, chắc chắn không phải việc dễ dàng đối với bố mẹ anh. Nhưng bà đã đồng ý, tôi thật sự không tiện nói gì thêm.
Các khâu chuẩn bị cho đám cưới đều rất thuận lợi và suôn sẻ. Bố tôi mừng lắm, khoe khắp làng trên xóm dưới và họ hàng, bạn bè gần xa về chuyện tiền dẫn cưới của gia đình P. cao thế nào.
Thế nhưng tôi và bố mẹ không bao giờ dự đoán được mẹ P. lại rắp tâm toan tính trả đũa nhà tôi. Trong lễ ăn hỏi, sau khi nhà trai đã về hết, bố tôi phấn khởi mở tráp dẫn cưới mà nhà P. mang đến. Vừa nhìn thứ bên trong mà ông giật mình. Chiếc phong bì để tiền mỏng dính, nếu trong đó có 300 triệu thì chắc chắn sẽ không thể mỏng và nhẹ như thế được. Đến khi mở ra thì ông suýt ngất khi thấy chỉ có vỏn vẹn 1 triệu đồng!
Tôi lập tức gọi điện cho P., có lẽ anh cũng không hề biết chuyện tiền dẫn cưới đó. Anh đi hỏi mẹ rồi trả lời cho tôi với vẻ rất áy náy. “Đáng ra mẹ dồn đủ tiền rồi nhưng lại có việc cần gấp nên đã dùng mất, chỉ còn có từng ấy cho vào tráp. Thôi thì đành khất nợ bên thông gia vậy, lúc nào có đủ mẹ sẽ đích thân mang sang trả. Tụi mình cưới nhau quan trọng là sống hạnh phúc, chứ 1 triệu hay 300 triệu tiền dẫn cưới cũng đâu có quan trọng đúng không?”, nguyên văn lời mẹ anh bảo P. thuật lại với tôi.
Tôi nghẹn lời không nói được gì. Nếu tôi phản đối lời lẽ của mẹ chồng tương lai thì hóa ra bản thân và gia đình coi trọng vật chất mà xem nhẹ tình cảm. Rõ ràng mẹ P. cố tình làm bẽ mặt gia đình tôi, tiền dẫn cưới mà bà ví như món nợ phải trả, có khác gì đang mỉa mai nhà tôi. Lúc đó tôi mới hiểu tại sao mẹ anh lại giục giã chúng tôi phải đi đăng ký kết hôn trước lễ ăn hỏi. Bởi làm vậy tôi sẽ không còn đường lùi nữa cho dù có bất mãn với bà thế nào.
Chỉ còn gần tháng nữa là đến ngày cưới đã định của tôi và P., mọi thứ đã sẵn sàng đâu vào đấy, chúng tôi đã là vợ chồng trên pháp luật. P. bên kia thì bảo tôi cố gắng thuyết phục bố, chứ anh chịu không thể khuyên bảo được mẹ nữa. Rõ ràng anh biết chúng tôi đã đăng ký nên cũng chẳng lo lắng gì nữa, vì người nắm đằng chuôi đang là gia đình anh.
Bố tôi vì quá phẫn nộ và căm tức nhà thông gia nên đang bắt tôi phải hủy cưới bằng được. Tôi thật sự không muốn ly hôn vì chuyện này, nghĩ kỹ thì ban đầu gia đình tôi cũng có phần vô lý. Hơn nữa tôi không muốn chia tay P. chút nào, mẹ anh quá đáng nhưng anh là người tốt, là người đàn ông tôi muốn lấy làm chồng. Tôi phải thuyết phục bố thế nào để ông thay đổi suy nghĩ?
Bạn gái giàu có tìm cách sang tên tài sản trước đám cưới
Dù đồng ý về làm vợ tôi, em vẫn âm thầm tìm cách chuyển tài sản riêng sang cho người thân trong gia đình.
Theo Gia đình và Xã hội