Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản là xu thế chung của thế giới. Sau đại dịch, xuất bản phẩm điện tử ở Việt Nam cũng đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng đầu sách cũng như doanh thu bán sách.
Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu khả quan, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản cũng còn nhiều điểm thách thức và hạn chế. "Mặc dù đã có tới 16 nhà xuất bản bước chân vào lĩnh vực xuất bản điện tử nhưng tôi đồ rằng các đơn vị cũng chưa chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để thực sự thực hiện việc chuyển đổi số của mình.
Chuyển đổi số không phải câu chuyện hướng tới xuất bản những cuốn sách điện tử, chuyển đổi số chỉ thực hiện khi nó tạo ra 2 yếu tố cực kỳ quan trọng: tổng thể và đồng bộ. Để làm được điều đó lãnh đạo các đơn vị xuất bản phải luôn ý thức được rằng mỗi công việc trong đơn vị luôn hướng tới việc chuyển đổi số", ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành chia sẻ.
Ông Nguyên cho rằng, việc thay đổi từ phương thức xuất bản truyền thống sang xuất bản điện tử của các đơn vị còn chậm, hình thức xuất bản điện tử chủ yếu mới chỉ dừng ở số hóa sách đã xuất bản, chưa có nhiều những hình thức mới như sách audio, sách thực tế ảo, sách tương tác giữa bạn đọc, tác giả và nhà xuất bản.
Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Khắc Lịch hiến kế: “Chúng ta cần xây dựng hành lang pháp lý chung, sau đó có văn bản hướng dẫn cụ thể, chẳng hạn chuyển đổi số trong nội bộ đơn vị xuất bản, chuyển đổi số trong kinh doanh xuất bản phẩm để phát triển kinh tế số".
Ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần sách điện tử Waka cho rằng thách thức lớn đối với những người làm xuất bản điện tử hiện nay là vấn đề vi phạm bản quyền và chi phí đầu tư cho công nghệ để thực hiện chuyển đổi số. Hai thách thức này có liên quan mật thiết với nhau. “Các đơn vị xuất bản cần đầu tư vào công nghệ để có những sản phẩm chất lượng vượt trội hơn so với những sản phẩm sao chép trên các trang web lậu. Tôi lấy ví dụ sách điện tử có thể kèm theo hình ảnh, âm thanh. Các trang lậu chỉ có thể quét được nội dung (chữ) chứ không thể sao chép được các hiệu ứng như vậy”, ông Hoàng chia sẻ.
Tất nhiên, nguồn kinh phí cho việc này là khá lớn nhưng ông Hoàng đề xuất giải pháp rằng các đơn vị cần có sự phối hợp chia sẻ dữ liệu, dùng chung nền tảng để tiết kiệm chi phí.
Với một số kinh nghiệm nhất định trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện chuyển đổi số của đơn vị mình, ông Trần Chí Đạt, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đề xuất cần tập trung theo hướng: Đổi mới và phát triển theo mô hình cơ quan xuất bản - công nghệ; Sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện với phương châm bám sát nhu cầu và sở thích của độc giả - đặc biệt là thế hệ Gen Z (tạo app đọc sách, app bán sách, phân phối nội dung trên Facebook, Tiktok...; sản xuất podcast, audiobook...).
Cải tiến quy trình biên tập - xuất bản theo phương thức tích hợp; sử dụng các phần mềm biên tập, quản lý duyệt bản thảo nhanh chóng, hiệu quả; Sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích nhu cầu của độc giả, các review của độc giả khi đọc sản phẩm của đơn vị xuất bản; Đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi.
Đây là yếu tố then chốt để thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản bởi ngày nay “nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng”; Tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới, sáng tạo các sản phẩm xuất bản độc đáo, đặc sắc. Cần thay đổi tư duy xuất bản không chỉ tạo ra sách mà cần hướng tới xuất bản tạo ra nội dung, các đơn vị xuất bản kinh doanh nội dung dựa trên các nền tảng đa phương tiện như trên thế giới vẫn làm; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong biên tập, đọc duyệt bản thảo sách; Xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp với mục tiêu chuyển đổi số như tổ chức các sự kiện; chú trọng đầu tư, nâng cấp xây dựng sàn thương mại điện tử; thành lập các câu lạc bộ yêu sách, tạo các ưu đãi hấp dẫn cho các thành viên khi tham gia câu lạc bộ.
Đặc biệt, các nhà xuất bản có lợi thế rất lớn là có kho dữ liệu phong phú về các lĩnh vực, có thể liên kết với nhau để môi giới, giới thiệu bán các dữ liệu cho những đơn vị tổ chức hoặc cá nhân cần dùng. Tất nhiên, việc môi giới, bán dữ liệu phải tuân thủ các quy định của Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo đại diện NXB Trẻ giải pháp nên tập trung là: Cùng với chiến lược dành cho sách in, nên sớm có chiến lược quốc gia về xuất bản sách điện tử, đó là các loại sách dựa trên nền tảng công nghệ như ebook, audiobook, VR book (sách thực tế ảo),... Nếu có được chiến lược này, chúng ta sẽ tránh được tình trạng phân mảnh, trăm hoa đua nở, khó quản lý như hiện nay; Hoàn thiện hệ thống pháp lý để sớm tăng cường số lượng đơn vị được phép xuất bản sách điện tử. Bên cạnh đó, cần mạnh tay dẹp bỏ triệt để các hành vi chia sẻ lậu, bất hợp pháp các ebook, audiobook trên mạng, YouTube, mạng xã hội. Có thể có cơ chế hoặc cơ quan bảo vệ quyền tác giả và hành xử như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam để giúp các đơn vị làm sách điện tử giảm thiểu thiệt hại do vi phạm bản quyền gây ra,...
Nếu những hạn chế này được khắc phục, sách điện tử sẽ sớm phát huy tối đa vai trò của mình, không chỉ thúc đẩy văn hóa đọc, tạo điều kiện sản xuất - kinh doanh cho các đơn vị xuất bản, mà còn giới thiệu lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam ra nước ngoài một cách hiệu quả và nhanh chóng.