Ngành công nghiệp hỗ trợ Thái Bình tập trung chủ yếu vào ngành dệt may, cơ khí, sản xuất thiết bị điện, điện tử và sản xuất gốm sứ, sứ vệ sinh. Mục tiêu đến năm 2025, Thái Bình sẽ trở thành ngành công nghiệp phát triển quan trọng, có thể tham gia sản xuất và cung cấp phần lớn các linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.
Mục tiêu đến năm 2025, Thái Bình sẽ trở thành ngành công nghiệp phát triển quan trọng, có thể tham gia sản xuất và cung cấp phần lớn các linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. |
Tích cực chuyển động để không bị bỏ lại phía sau
Tại buổi làm việc tại Thái Bình mới đây, đánh giá về phát triển công nghiệp của tỉnh, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, thế mạnh của tỉnh là ngành dệt may, hiện kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày chiếm 75%, đây là cơ sở tốt để Thái Bình tiếp tục khai thác về tiềm năng phát triển công nghiệp dệt may.
Cùng với đó, tỉnh Thái Bình cần chú trọng quy hoạch một số khu công nghiệp tập trung, liên kết ngành và thu hút đầu tư trong đó có dệt, vải nhuộm và các nguồn nguyên liệu.
“Trong tỉnh hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tàu quy mô lớn, mang tính lan tỏa về mặt công nghiệp, do đó địa phương cần hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển công nghiệp. Trong đó tập trung hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, dệt may, điện tử... tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Trương Thanh Hoài đề xuất.
Song, để phát huy được vị trí đặc biệt quan trọng trong hành lang kinh tế ven biển, vị trí kết nối, liên kết kinh tế vùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khuyến nghị Thái Bình cần phát triển công nghiệp tạo ra chuỗi giá trị, đẩy mạnh xuất khẩu nhằm tận dụng tốt các ưu đãi mà các hiệp định thương mại mang lại.
Cùng với đó, tỉnh Thái Bình cũng cần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo sức hấp dẫn, thu hút các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào tỉnh.
Bộ trưởng cũng lưu ý, Sở Công Thương Thái Bình phải là đơn vị tham mưu tích cực cho tỉnh thu hút đầu tư, tái cơ cấu lại ngành công nghiệp, thương mại mang lại giá trị sản phẩm cao hơn cho tỉnh.
Ba giải pháp đột phá được ưu tiên
Trong Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHTCNHTCNHTCNHT) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thái Bình đã xây dựng nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành công nghiệp quan trọng này.
Theo chiến lược phát triển chung, Thái Bình sẽ đặc biệt tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử, cơ khí chế tạo và dệt may, coi đây như một khâu đột phá để thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới và góp phần nâng cao giá trị tăng thêm của ngành cũng như đáp ứng nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí đạt khoảng 4.750 tỷ đồng, tăng 1,9 lần; công nghiệp hỗ trợ ngành thiết bị điện, điện tử đạt khoảng 1.890 tỷ đồng, tăng gấp 5,08 lần; công nghiệp hỗ trợ ngành dệt, may đạt khoảng 7.220 tỷ đồng, tăng gấp 1,32 lần so với hiện nay.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có chính sách gọi vốn đầu tư cho sản xuất phụ tùng ô tô và thiết bị điện liên quan, chế tạo linh kiện chi tiết động cơ; ngành dệt may da giày thu hút vốn cho đầu tư xây dựng 8 nhà máy sợi, 2 nhà máy dệt nhuộm vải, sản xuất vải giả da; ngành điện tử tin học sẽ ưu tiên thực hiện các dự án sản xuất dây cáp điện, chip điện tử, bo mạch điều khiển…
Để hút đầu tư vào các dự án này, Thái Bình đã xây dựng nhiều giải pháp, trong đó xoáy sâu vào 3 giải pháp mang tính đột phá. Cụ thể:
Tập trung cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho đầu tư; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp. Đẩy nhanh tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung đẩy nhanh đầu tư khu công nghiệp ven biển, nhất là các khu trên địa bàn huyện Thái Thụy, Tiền Hải bởi đây là các khu được kỳ vọng lớn cho phát triển công nghiệp dệt may, cơ khí chế tạo và điện tử tin học. Phát triển nguồn nhân lực thông qua phương thức đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo; ưu tiên các chương trình đào tạo theo hình thức đặt hàng, đào tạo theo địa chỉ.
Bên cạnh đó, xây dựng các giải pháp đồng bộ khác. Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, trực tiếp xúc tiến, kêu gọi đầu tư đến các tập đoàn, tổng công ty lớn, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Ưu đãi cao cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có dự án chuyển giao công nghệ và có cam kết tài trợ cho doanh nghiệp trong tỉnh phát triển CNHT, khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Hình thành các khu CNHT để thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, dự án sản xuất thân thiện môi trường.
Ngoài ra, tỉnh sẽ thí điểm đầu tư một số cụm công nghiệp hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có mặt bằng sạch đầu tư với chi phí hợp lý.
Trúc Linh