Lĩnh vực phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nói riêng, tập trung chủ yếu vào ngành dệt may, cơ khí hiện được tỉnh Thái Bình chú trọng đầu tư.

Đối với lĩnh vực dệt may, tỉnh Thái Bình hiện có 234 doanh nghiệp dệt may, da giày. Trong đó, tỉnh có 44 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ gồm 5 DN đầu tư nước ngoài, 39 DN, cơ sở sản xuất trong nước.

{keywords}
Ngành dệt may Thái Bình tăng trưởng khá

Thái Bình hiện đã nằm trong top có giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đặc biệt như dệt may, da giày, xơ sợi.

Trong định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2030, dệt may là 1 trong 4 nhóm ngành hàng chính được cụ thể hóa.

Nhiều DN của tỉnh Thái Bình được nhà cung cấp đánh giá chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, quan hệ giữa người lao động và chủ DN tương đối hài hòa, sản phẩm thân thiện với môi trường.

Một số DN thuộc nhóm hàng kéo sợi, may công nghiệp đã đầu tư đổi mới trang thiết bị, công nghệ hiện đại để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nên đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của thị trường… 

Đa số DN trong ngành dệt may ở đây quy mô vừa và nhỏ, chỉ một số ít sản xuất quy mô lớn với dây chuyền hiện đại như Công ty TNHH May Hưng Hà, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Cường, Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long, Công ty Cổ phần Damsan...

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của tỉnh trong ngành dệt may, da giày chủ yếu sản xuất trong lĩnh vực dệt nhuộm, kéo sợi.

{keywords}
Tỉnh Thái Bình mới có 41 DN hỗ trợ ngành dệt (ảnh: Băng Dương)

Hiện tại, tỉnh có 41 DN hỗ trợ ngành dệt, trong đó 23 DN dệt nhuộm và 18 DN sản xuất xơ, sợi. Các DN dệt và sản xuất xơ, sợi chủ yếu có quy mô trung bình và xuất khẩu tới các thị trường chính là châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc. Đây là một trong những lợi thế rất lớn phát triển CNHT ngành dệt may của địa phương.

Tỉnh hầu như chưa có DN đầu tàu quy mô lớn, mang tính lan tỏa về mặt công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều DN chủ yếu làm gia công nên nguyên liệu sản xuất đều do đối tác cung cấp hoặc chỉ định, DN không được quyền lựa chọn. Đó là một trong những điểm yếu lớn, khiến ngành dệt may Thái Bình chưa phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng của nó.

Đối với lĩnh vực cơ khí, chế tạo, tỉnh Thái Bình cũng đặc biệt tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và coi đây như một khâu đột phá để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn tới, góp phần nâng cao giá trị tăng thêm của ngành cũng như đáp ứng nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để hút đầu tư vào các lĩnh vực này, tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh vào 3 giải pháp mang tính đột phá, bao gồm: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho đầu tư; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp. Phát triển nguồn nhân lực thông qua phương thức đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo; ưu tiên các chương trình đào tạo theo hình thức đặt hàng, đào tạo theo địa chỉ.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, trực tiếp xúc tiến, kêu gọi đầu tư đến các tập đoàn, tổng công ty lớn, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Ưu đãi cho DN có vốn đầu tư nước ngoài có dự án chuyển giao công nghệ và có cam kết tài trợ cho DN trong tỉnh phát triển CNHT, khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Hình thành các khu CNHT để thu hút đầu tư theo hướng ưu tiên dự án sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, dự án sản xuất thân thiện môi trường.

Đồng thời, thí điểm đầu tư một số cụm công nghiệp hỗ trợ tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa có mặt bằng sạch đầu tư với chi phí hợp lý.

Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Thái Bình giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu tổng quát đến năm 2020, công nghiệp hỗ trợ sẽ trở thành ngành công nghiệp phát triển quan trọng, chủ yếu sản xuất và cung cấp các linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước; đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh sẽ tham gia quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.

Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí của tỉnh xác định tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy; cơ khí xây dựng tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để sẵn sàng tham gia vào cụm liên kết; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực hỗ trợ ngành cơ khí và hỗ trợ phát triển hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng, phụ kiện cơ khí.

Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, nguyên liệu tập trung vào sản xuất những sản phẩm có thị trường lớn và giá trị gia tăng cao như sợi, vải các loại và giả da; Phụ kiện tập trung vào phục vụ cho ngành may là bông tắm và mex các loại; đẩy mạnh việc thành lập và đầu tư hạ tầng KCN ven biển để đáp ứng phát triển công nghiệp dệt hoàn tất sản phẩm.

Đối với công nghiệp hỗ trợ ngành sứ vệ sinh xác định giai đoạn từ nay đến 2025 thị trường chính cho ngành công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực sản xuất các phụ kiện ngành sứ vệ sinh là thị trường trong nước, sau năm 2025 tham gia sâu hơn vào xuất khẩu; hướng đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành sứ vệ sinh tại khu vực Tiền Hải để thuận tiện cho việc sản xuất hoàn chỉnh;đầu tư công nghệ tiên tiến, hướng sản xuất các dòng sản phẩm thông minh, hiện đại, mẫu mã đẹp và tăng tính năng động trong dòng sản phẩm cao cấp.

Quy hoạch của tỉnh cũng đưa ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí; công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử- tin học; công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử - tin học; công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giầy; công nghiệp hỗ trợ ngành sứ vệ sinh.

Những giải pháp thực hiện quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ giai đoạn này được tỉnh xác định gồm nhóm giải pháp đồng bộ bao gồm: Giải pháp về đầu tư; giải pháp xây dựng và phát triển thị trường; giải pháp về khoa học công nghệ; giải pháp phát triển các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành; giải pháp về hợp tác và phối hợp phát triển; bảo vệ môi trường và giải pháp quản lý; nhóm giải pháp mang tính đột phá gồm: Cải cách hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho đầu tư; đẩy nhanh tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng, phát triền nguồn nhân lực.

Quý I, sản xuất công nghiệp của tỉnh Thái Bình đã từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Thu Ngân