Thông tin được tiết lộ chỉ 2 tháng sau khi Australia cũng phải tổ chức cuộc tìm kiếm tương tự đối với một viên nang phóng xạ tí hon. Tuy nhiên, trong khi viên phóng xạ của Australia bị thất lạc ở một vùng xa xôi hẻo lánh, cách thành phố lớn gần nhất tới hàng trăm kilômét, ống phóng xạ của Thái Lan biến mất ở một khu vực đông dân cư hơn nhiều.
Theo CNN, ống chứa phóng xạ hình trụ, dài 30cm và rộng 13cm được báo cáo mất tích trong quá trình kiểm tra định kỳ tại nhà máy điện than ở tỉnh Prachin Buri, miền trung Thái Lan hôm 10/3. Tỉnh Prachin Buri có dân số khoảng nửa triệu người và là nơi tọa lạc của một số công viên quốc gia tốt nhất của quốc gia Đông Nam Á, kể cả vườn quốc gia Khao Yai nổi tiếng hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Ống hình trụ được sử dụng để đo tro trong hầm ngầm của nhà máy và có chứa chất phóng xạ cao Caesium-137. Các chuyên gia cảnh báo, Caesium-137 có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho những người tiếp xúc với nó, như bỏng da do tiếp xúc gần hoặc bệnh phóng xạ và nguy cơ ung thư chết người, đặc biệt đối với những người vô tình tiếp xúc trong thời gian dài.
Caesium-137 có chu kỳ bán rã khoảng 30 năm, đồng nghĩa nó có thể gây rủi ro cho người dân trong nhiều thập kỷ tới, nếu không được tìm thấy.
Theo một tuyên bố từ Văn phòng Nguyên tử vì hòa bình (OAP), cơ quan quản lý nghiên cứu phóng xạ và hạt nhân của Chính phủ Thái Lan, các đội tìm kiếm, cảnh sát cùng máy bay không người lái và robot đã được triển khai nhằm thu hồi ống trụ mất tích.
Phó Tổng thư ký OAP Pennapa Kanchana hôm 15/3 tiết lộ, nhà chức trách đang sử dụng các thiết bị phát hiện phóng xạ nhằm xác định vị trí của vật thể nguy hiểm. Quan chức này nói, lực lượng chức năng đang tìm kiếm cả trong các cơ sở tái chế phế liệu trong khu vực.
Cảnh sát nhận định, ống phóng xạ có khả năng bị mất từ tháng 2, nhưng chỉ mới được nhà máy điện quốc gia số 5 thông báo chính thức vào ngày 10/3. Mongkol Thopao, Cảnh sát trưởng quận Si Maha Phot cho biết, cảnh sát đã kiểm tra các đoạn phim do camera an ninh CCTV của nhà máy ghi lại nhưng gặp khó vì “tầm nhìn hạn chế” của máy quay. Ông Mongkol thừa nhận, nhà chức trách hiện vẫn chưa rõ ống phóng xạ bị đánh cắp và bán cho cơ sở tái chế phế liệu hay chỉ bị thất lạc đâu đó.
Đây không phải là lần đầu tiên sự cố như thế này xảy ra ở Thái Lan. Theo báo cáo của Quốc hội Thái Lan, năm 2000, hai người thu gom phế liệu đã vô tình mua hộp chứa một đồng vị phóng xạ khác là coban-60 và mang nó đến một bãi phế liệu để cắt mở. Hậu quả là, một số người bị thương giống như bị bỏng, và cuối cùng có 3 nạn nhân tử vong và 7 người khác bị thương do tiếp xúc phóng xạ. Gần 2.000 người khác sống gần đó bị nhiễm xạ.
Phó Tổng thư ký OAP Pennapa trấn an rằng, ống trụ đang mất tích chứa ít phóng xạ hơn nhiều so với sự cố năm 2000.
Mexico náo loạn vì vụ cướp chất phóng xạ nguy hiểm
Chính phủ Mexico phát cảnh báo tới 9 bang trên toàn quốc, bao gồm cả thủ đô Mexico City về một thiết bị có thể gây "thương tổn chết người" nếu sử dụng sai cách sau khi rơi vào tay bọn cướp.