Những bước chuyển mình mạnh mẽ
Xác định chuyển đổi số tạo cơ hội bứt phá để “đi tắt, đón đầu” trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển bền vững, thời gian qua Thái Nguyên nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 01 về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Sự vào cuộc của các cấp chính quyền đã mở ra hướng đi mới, tạo sức sống mới mang lại hiệu quả trên ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tác động tích cực đến các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Điểm nhấn của chính quyền số Thái Nguyên là việc đưa vào sử dụng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) với 11 nền tảng công nghệ số; cùng với đó ứng dụng công dân số Thái Nguyên “C-ThaiNguyen” thu hút 225.655 lượt cài đặt, sử dụng. Thái Nguyên đã phát triển nền tảng xã hội số “Thai Nguyen ID” nhằm xây dựng và phát triển một hệ sinh thái trên môi trường số, lấy người dân là trung tâm, cung cấp cho người dân, doanh nghiệp những tiện ích số hữu hiệu phục vụ cuộc sống. Những thay đổi này như “cánh tay nối dài” tăng cường thêm kênh tương tác giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp.
Tại Thái Nguyên, 100% thủ tục hành chính công mức độ 4 được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, 100% cuộc họp đã được triển khai giải pháp phòng họp không giấy; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được xây dựng, kết nối từ Trung ương về tỉnh, 9 đơn vị cấp huyện và 178 đơn vị cấp xã.
Trong đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật thực hiện chuyển đổi số, tỉnh đã mời gọi, thu hút đầu tư, liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông lớn như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT, Công ty cổ phần công nghệ viễn thông Sài Gòn... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.500 tuyến truyền dẫn nội tỉnh, 100% các tuyến truyền dẫn cáp quang được xây dựng đến các xã; 100% cơ quan, tổ chức và 99% khu vực dân cư được kết nối internet băng thông rộng cố định; mạng 5G đã được triển khai..., tạo bước đột phá về phát triển nền tảng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin.
Bộ mặt đô thị thông minh đang dần hiện hữu và hình thành tại TP. Thái Nguyên, TP. Sông Công và thị xã Phổ Yên. Đặc biệt tại xã La Bằng (huyện Đại Từ) và xã Sảng Mộc (huyện Võ Nhai) được lựa chọn thí điểm xây dựng xã thông minh, cáp quang được kéo đến tận thôn, xóm; hệ thống cụm loa thông minh phát theo hai khung giờ mỗi ngày, giúp hơn 80% hộ dân tiếp cận được thông tin thiết yếu, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nền tảng khám bệnh từ xa đã giúp người dân không phải đi lại nhiều lần mà vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe; người dân có thể thực hiện TTHC ngay tại nhà qua các thiết bị công nghệ và môi trường số.
Nhờ chuyển đổi số, các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá… cũng đã từng bước thích ứng linh hoạt, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân và xu thế phát triển chung. Các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội đều được thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Hơn 1.000 sản phẩm đã được đưa lên sàn giao dịch TMĐT của tỉnh, trong đó có 129 sản phẩm OCOP; trên 17.000 hộ sản xuất nông nghiệp đã được mở gian hàng trên sàn TMĐT…
Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số
Năm 2021, xếp hạng về chuyển đổi số được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố: Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số, trong đó chỉ số Chính quyền số xếp thứ 3 toàn quốc.
Theo ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, có được kết quả này là do tỉnh Thái Nguyên luôn xác định CCHC và chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xây dựng và phát triển chính quyền số, chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.
Để chuyển đổi số thành công, thời gian qua chính quyền Thái Nguyên chú trọng nâng cao nhận thức, vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số, trong đó tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết 01 tới cán bộ, đảng viên; tổ chức các khóa học bồi dưỡng nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức chuyển đổi số đối với hệ thống chính trị, tất cả cán bộ cấp xã, lãnh đạo doanh nghiệp. Các cấp, các ngành trong tỉnh đều xây dựng chương trình, kế hoạch chuyển đổi số một cách thiết thực, phù hợp.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm chuyển biến nhận thức của người dân - nhân tố quyết định chuyển đổi số, Thái Nguyên đã thành lập 401 tổ công nghệ số cộng đồng, với gần 2.700 thành viên; mỗi xã, phường thành lập 1 nhóm Zalo để tương tác, trao đổi nhiệm vụ.Tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, truyền hình, Cổng thông tin điện tử thành phố, Trang thông tin điện tử các phường xã; các nền tảng mạng xã hội; thông qua các hội nghị, hội thảo; duy trì mỗi tháng phát sóng 1 chuyên mục về chuyển đổi số trên Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, duy trì 2 lần/ngày trên sóng phát thanh tại địa chỉ daithainguyen.vn và 6 màn hình Led trên địa bàn thành phố.
Lựa chọn ngày 31/12 hằng năm là Ngày chuyển đổi số của tỉnh, Thái Nguyên là địa phương đầu tiên trong cả nước có ngày chuyển đổi số. Sự kiện này cũng như hàng loạt các chương trình hành động đã tạo điều kiện để tỉnh thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, lan toả ý thức chuyển đổi số sâu rộng trong nhân dân, để chuyển đổi số trở thành việc làm thường trực và thực chất trong suy nghĩ của từng người.
“Hâm nóng” quyết tâm, lan tỏa tinh thần, cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, Thái Nguyên tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Ngọc Minh