Ông Lee Jae Yong tham dự phiên tòa ngày 9/11/2020. (Ảnh: Reuters) |
Giới chính trị và công chúng Hàn Quốc tăng sự ủng hộ đối với việc thả tự do cho ông Lee Jae Yong trong bối cảnh họ lo ngại những quyết định chiến lược không được thực hiện tại Samsung. Nếu ông Lee được thả, Samsung có thể tiếp tục các khoản đầu tư và dự án thâu tóm lớn. Theo nguồn tin, chỉ có "thái tử Samsung" mới làm được điều đó nhưng hiện tại ông phải ngồi tù vì án tham ô, hối lộ.
Đặc biệt, quyết định về địa điểm đặt nhà máy chip 17 tỷ USD tại Mỹ cũng đang chờ ông Lee quay trở lại. Một trong các nguồn tin nội bộ tiết lộ khoản đầu tư sẽ được chốt khi ông Lee ra tù.
Ông Kina Kim, Giám đốc bộ phận Chip và linh kiện tại Samsung, một trong ba đồng CEO, đã đưa ra lời kêu gọi trực tiếp hiếm hoi với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vào tháng 6. Ông khẳng định việc ông Lee quay lại là vô cùng quan trọng. “Ngành bán dẫn cần các quyết định đầu tư lớn, quyết định chỉ có thể thực hiện nhanh chóng khi người đứng đầu tập đoàn hiện diện”, văn phòng Tổng thống trích lời ông Kim.
Trong bản án 5 năm tù ban đầu, “thái tử Samsung” mới chấp hành 1 năm (từ tháng 8/2017) và sau đó được hoãn thi hành án. Tuy nhiên, tòa án lật lại quyết định và bản án được điều chỉnh còn 30 tháng, ông Lee quay lại nhà tù vào tháng 1 năm nay. 18 tháng nữa, ông mới đủ điều kiện được thả.
Tháng trước, Bộ Tư pháp nới lỏng quy định ân xá với người phạm tội lần đầu có hành vi tốt như ông Lee xuống còn 60% thời hạn bản án. Trước đó, thời gian thụ án trung bình với tất cả tội phạm để được xét ân xá tại Hàn Quốc là 80%.
Dự kiến, lệnh ân xá của ông Lee sẽ được xem xét vào ngày 9/8 và Samsung hi vọng ông được thả vào khoảng ngày 15/8 khi cả nước kỷ niệm Ngày Độc lập. Nếu được ân xá, ông Lee cần được Bộ Tư pháp chấp thuận quay lại làm việc do luật pháp ngăn cản người phạm tội làm việc cho các công ty có liên quan trong bản án trong 5 năm. Theo nhiều chuyên gia pháp lý, ông Lee có thể được như ý do số tiền tham ô đã được hoàn trả.
Dù vẫn có một số cuộc biểu tình phản đối ông Lee ra tù sớm, ủng hộ của công chúng đối với điều này vào khoảng 70%, theo hai cuộc khảo sát. Trên mạng, một số người cho rằng ông Lee đã trả giá hết mọi tội lỗi trong khi số khác nhấn mạnh nếu không có ông Lee, Samsung sẽ đi sau đối thủ khác vào lúc thị trường bán dẫn khủng hoảng và các đối thủ như TSMC, Intel đều đang đầu tư lớn.
Hoạt động hàng ngày của Samsung ít bị ảnh hưởng khi ông Lee ngồi tù. Lợi nhuận hoạt động quý II tăng 54%. Kể cả khi ông ngồi tù đợt đầu năm 2017, Samsung cũng ghi nhận lợi nhuận thường niên 46,6 tỷ USD. Song các chuyên gia nhận định cơ cấu tổ chức phức tạp của tập đoàn khiến không có ai, trừ ông Lee, được thông qua quyết định chiến lược cần đến tiền từ ba bộ phận chính: di động, điện tử tiêu dùng và chip.
Giáo sư Đại học Quốc gia Seoul Jaeyong Song, tác giả cuốn sách “The Samsung Way”, cho biết trong thực tế, những chiến lược mang tính rủi ro như M&A, các thương vụ tỷ đô đều do ông chủ Samsung quyết định. “CEO (Tổng Giám đốc) tại Hàn Quốc giống với COO (Giám đốc Điều hành) hơn. Họ quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn, còn ông chủ để ý đến cạnh tranh dài hạn vì nhiệm kỳ của họ là trọn đời”.
Các nhà phân tích liên hệ các rắc rối pháp lý của ông Lee với núi tiền mặt của Samsung. Tính đến cuối tháng 6, Samsung sở hữu dưới 100 tỷ USD tiền mặt và chưa thực hiện vụ thâu tóm lớn nào kể từ năm 2016.
Ngoài quyết định về nhà máy chip tại Mỹ, sự quay lại của ông Lee Jae Yong còn có thể kích hoạt những vụ thâu tóm cổ phần trong các công ty tiềm năng. Chẳng hạn, NXP Semiconductors – nhà sản xuất chip ô tô Hà Lan – thường được nhà phân tích xem là phù hợp với nhu cầu của Samsung. Bên cạnh đó, Samsung SDI cũng cân nhắc đầu tư ít nhất 3,5 tỷ USD vào Mỹ để sản xuất pin xe điện.
Du Lam (Theo Reuters)
Xiaomi vượt mặt Samsung ở châu Âu
Không lâu sau khi qua mặt Apple, giờ đây đến lượt Samsung đã bị Xiaomi vượt mặt ở thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA).