Hội đồng Tư vấn đặc xá chiều nay (23/8) họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá nhằm xét duyệt hồ sơ, danh sách đề nghị Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước thời hạn cho các phạm nhân đủ điều kiện đặc xá đợt 2/9.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, đợt đặc xá năm 2022 là lần thứ 9 kể từ khi Quốc hội thông qua Luật Đặc xá năm 2009. Qua 8 đợt đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước, Nhà nước Việt Nam đã đặc xá cho 90.000 người.
Riêng trong đợt đặc xá năm 2021, Chủ tịch nước đã ký quyết định đặc xá cho 3.035 người, trong đó có 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù.
Qua theo dõi, phần lớn người được đặc xá đã trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống và làm ăn lương thiện; tỷ lệ người được đặc xá tái phạm tội rất thấp (tính đến nay, có 2 người được đặc xá tái phạm tội, chiếm 0,06%).
Công tác đặc xá đã bảo đảm các yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, đối ngoại, được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương vẫn được bảo đảm, không xảy ra phức tạp do người được đặc xá gây ra.
Ngày 1/7/2022, Chủ tịch nước đã ký quyết định về đặc xá năm 2022 nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao, thời gian qua, các Tổ thẩm định liên ngành của Hội đồng Tư vấn đặc xá và các tổ chuyên viên giúp việc cho thành viên Hội đồng Tư vấn đặc xá thuộc các bộ, ngành (Bộ Công an, TAND, Viện KSNDTC, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng…) đã kiểm tra, thẩm định gần 3.000 hồ sơ đề nghị đặc xá cho phạm nhân của các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện thuộc Bộ Công an và các trại giam do Bộ Quốc phòng quản lý.
Để việc xét, duyệt danh sách bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch đúng pháp luật, Hội đồng Tư vấn xem xét từng trường hợp đề nghị đặc xá với quy trình chặt chẽ.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, để công tác đặc xá và hậu đặc xá năm 2022 đạt kết quả tốt, các cấp, các ngành cần quan tâm đến công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá trở về địa phương.
Sau cuộc họp này, Hội đồng Tư vấn đặc xá sẽ tổng hợp trình Chủ tịch nước danh sách phạm nhân đủ điều kiện được đặc xá đợt 2/9 để xem xét quyết định.
Người được xét đặc xá dịp 2/9 năm nay gồm: đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù nhân chung thân được giảm xuống tù có thời hạn và đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Trong 7 điều kiện cần đáp ứng, đầu tiên là ý thức cải tạo tốt, được xếp loại từ khá trở lên; chấp hành án tù ít nhất 1/2 thời gian phạt hoặc 15 năm tù.... Nếu họ được giảm thời gian chấp hành án phạt tù thì thời gian đó không được tính là đã chấp hành. Phạm nhân còn phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là tiền. Tuy nhiên, người bồi thường, khắc phục... được một phần song do hoàn cảnh kinh tế đặc biệt không thể tiếp tục cũng được xem xét. Riêng tội phạm tham nhũng cần thực hiện xong hết các nghĩa vụ này. Người lập công, mắc bệnh hiểm nghèo, đau ốm thường xuyên, khuyết tật, từ đủ 70 tuổi trở lên, là lao động duy nhất trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nữ phạm nhân có thai hoặc có con dưới 3 tuổi đang ở cùng... sẽ được xem xét đặc xá nếu chấp hành ít nhất 1/3 hoặc 2/5 thời gian án tù hay 13 năm với tù nhân chung thân được giảm xuống án tù có thời hạn. Đặc xá năm nay không xét các trường hợp phạm nhân bị kết tội phản bội tổ quốc, gián điệp, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, phá rối an ninh... Người trước đó đã được đặc xá, có hai tiền án trở lên, giết người có tổ chức, hiếp dâm và hiếp dâm trẻ em có tính chất loạn luân, cướp tài sản có sử dụng vũ khí... không được xét. |