Gần 60 năm trôi qua kể từ khi USS Thresher - tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới nhất của Hải quân Mỹ thời bấy giờ gặp nạn và rơi xuống đáy biển sâu trong quá trình thử nghiệm trên biển, khiến 129 thủy thủ thiệt mạng. Hiện giờ, các tài liệu được giải mật đang dần làm sáng tỏ nguyên nhân dẫn đến thảm họa tàu ngầm tồi tệ nhất lịch sử Hải quân Mỹ.
Các tài liệu do Hải quân Mỹ công bố vào tháng 7/2021 đã mô tả một loạt diễn biến trên tàu ngầm Seawolf – một trong những con tàu tham gia tìm kiếm cứu nạn sau khi bị mất liên lạc với USS Thresher vào ngày 10/4/1963. Seawolf đã nghe thấy một loạt âm thanh và điều này làm dấy lên suy đoán các thủy thủ của Thresher có thể đã sống sót lâu hơn so với dự kiến.
Tàu ngầm hạt nhân USS Thresher |
Các tài liệu mới cho thấy, Seawolf đã đến khu vực mà tàu Thresher gặp nạn vào sáng ngày 11/4/1963, khoảng 24h sau khi chiếc tàu này mất tích. Trong những lần lặn đầu tiên, tàu ngầm Seawolf đã nghe thấy những tiếng ping và âm thanh mà nó cho là nhiều khả năng phát ra từ tàu Thresher.
Seawolf cho biết, các thủy thủ có thể nghe thấy “giọng nói yếu ớt” qua máy thu dưới nước. Họ đã đề nghị lặp lại tin nhắn nhưng sau đó không nhận được tín hiệu hồi đáp.
Con tàu bị nổ tung do áp suất đại dương
Một cuộc điều tra lớn kết luận rằng, vào thời điểm Seawolf bắt đầu hoạt động tìm kiếm, Thresher đã bị nổ tung do áp suất đại dương sau khi chìm ở độ sâu gần 732m, sâu hơn 4m so với khả năng chịu đựng của thân tàu.
Norman Polmar, nhà phân tích hải quân và là tác giả cuốn sách "Cái chết của tàu USS Thresher", đã hạ thấp suy đoán cho rằng những gì tàu Seawolf nghe được là âm thanh của các thủy thủ sống sót bên trong chiếc tàu Thresher.
“Tôi không tin điều đó”, ông Polmar khẳng định trong một cuộc phỏng vấn với Military.com. Nhà phân tích chỉ ra rằng, bản ghi âm từ Hệ thống giám sát âm thanh dưới nước của Hải quân, hay còn gọi là SOSUS, là bằng chứng quan trọng để củng cố cho lập luận của ông.
“Qua hệ thống SOSUS, chúng tôi cho rằng tàu ngầm đã phát nổ. Nếu nó phát nổ, thì điều này đồng nghĩa với việc mọi hệ thống bên trong cũng bị phá hủy. Mọi người sẽ chết ngay lập tức và sẽ không có âm thanh tiếng kim loại va đập vào nhau”.
Chris Drew, tác giả của cuốn sách điều tra vụ tai nạn của USS Thresher mang tên “Blind Man's Bluff” cũng chỉ ra rằng, chiếc tàu ngầm này khó có khả năng nổi được.
“USS Thresher không thể duy trì sức nổi và không ai có thể tìm thấy họ”.
Chris Drew lưu ý, cả Seawolf và các tàu nổi tham gia nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn đều có thiết bị sonar (dò tìm bằng sóng âm).
“Nếu một chiếc tàu ngầm khổng lồ đang ở độ sâu 304 đến 609m, bạn có nghĩ rằng hệ thống sonar có thể giúp nó được vớt lên không? Điều đó chẳng có nghĩa lý gì cả”.
Chìm xuống vùng nước sâu chết người
Chris Drew cho biết, một nhà khảo cổ học dưới đáy biển nổi tiếng – người từng khả sát xác tàu Thresher xác nhận rằng, tàu ngầm này đã bị chìm xuống vùng nước sâu chết người. “Vùng nước này nằm xa so với thềm lục địa. Một khi con tàu đi vào đây, nó sẽ bị nghiền nát”, ông Drew nói.
Giải thích về việc thủy thủ đoàn của Seawolf nghe thấy một số âm thanh được cho là của tàu ngầm USS Thresher, ông Polmar nhận định, đó có thể là âm thanh từ các tàu và tàu ngầm khác trong khu vực.
Một báo cáo của Seawolf từng nhiều lần lưu ý rằng, sự xuất hiện của các tàu hải quân khác trong khu vực đã khiến việc nghe ngóng âm thanh của Thresher trở nên khó khăn hơn.
Sự cố bung mối hàn
Kết luận chính thức của Hải quân Mỹ, cho rằng, lỗi kỹ thuật hàn đã khiến một đường ống trên tàu ngầm bị hỏng. Giả thuyết khi đó là có ít nhất một mối hàn bị bung khiến nước biển tràn vào tàu, gây chập điện dẫn đến lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngừng hoạt động.
Phó đô đốc đã nghỉ hưu Ron Thunman – người từng chỉ huy tàu ngầm Plunger – tàu chị em của Thresher đã tóm tắt kết luận của hải quân trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2012.
Ông Thunman cho biết: “Một đường ống bị vỡ và nước tràn hệ thống điện. Điều đó khiến lò phản ứng ngừng hoạt động”. Giải pháp đối với các thủy thủ ở thời điểm đó là cho nổ các bể dằn của tàu ngầm khi con tàu đang lặn sâu. Tuy nhiên, khí nén từ vụ nổ bể dằn xì ra với áp suất cao khiến hơi nước trong buồng máy bị đóng băng, bít chặt các van này và khiến con tàu không thể nổi lên được.
“Chỉ huy của tàu Thresher không có động cơ đẩy, không có hệ thống làm nổi và như vậy, họ đã mất con tàu”.
Sự cố điện
Ông Polmar cùng cộng sự của mình là Bruce Rule, đã viết một bài phân tích trên tờ Navy Times vào năm 2013, nhân kỷ niệm 50 năm ngày mất của Thresher, lập luận về một nguyên nhân khác dẫn đến vụ tai nạn. Theo bài phân tích này, các bằng chứng về âm học chỉ ra rằng, một sự cố về điện chứ không phải vỡ đường ống, đã khiến các máy bơm làm mát của lò phản ứng ngừng hoạt động.
Ông Polmar từng có cuộc nói chuyện với sĩ quan Dean Axene – chỉ huy đầu tiên của tàu ngầm Thresher. Người này cho biết, thông điệp cuối cùng mà các thủy thủ của Thresher gửi đến các tàu trên mặt nước đã củng cố giả thuyết của ông. Ngay trước khi mất liên lạc, Thresher đã gửi một tin nhắn có nội dung: "có một số khó khăn nhỏ, đang nổi lên, cố gắng cho nổ”.
Dean Axene cho biết, điều duy nhất mà ông có thể nghĩ đến ở độ sâu thử nghiệm 369m mà Thresher mô tả là khó khăn nhỏ, chính là việc lò phản ứng hạt nhân ngừng hoạt động vì điều này đôi khi vẫn xảy ra và có một quy trình để khởi động lại nó.
Trong một bức thư ngỏ gửi tới các chỉ huy của Hải quân Mỹ năm 2013, ông Rule viết rằng, thông điệp nói trên là bằng chứng cho thấy những khó khăn đó không liên quan đến sự cố nước tràn vào bên trong”.
Những chi tiết mới được công bố đã thu hút sự chú ý bởi thực tế là vẫn còn rất nhiều bất đồng về nguyên nhân khiến tàu Thresher không thể hoạt động được và bị chìm xuống đáy đại dương.
Đến nay, vẫn có rất nhiều người mong muốn tìm kiếm câu trả lời cho vụ tai nạn của tàu ngầm Thresher, bao gồm các cựu sĩ quan hải quân và thành viên gia đình của các thủy thủ đoàn. Họ hy vọng sẽ được biết nhiều thông tin hơn khi hải quân công bố thêm tài liệu.
Việc lần đầu tiên mất một tàu ngầm hạt nhân đã khiến Hải quân Mỹ choáng váng nhưng sự kiện này không phải là vô nghĩa, bởi sau đó Mỹ đã triển khai chương trình SUBSAFE giúp đảm bảo sự an toàn trong quá trình hoạt động của tàu ngầm, bao gồm các yêu cầu nghiêm ngặt trong thiết kế và chế tạo tàu ngầm cũng như trang bị và bảo trì.
Xem thêm tin quân sự trên báo VietNamNet
Theo VOV
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ đâm vào vật thể ở 'Biển Đông'
Một tàu ngầm tấn công của hải quân Mỹ đã đâm phải một “vật thể” khi đang di chuyển dưới biển ở khu vực được cho là Biển Đông.