Hộ kinh doanh Thẩm mỹ viện Manhattan là cơ sở được giới thiệu trên mạng xã hội với tên "Thẩm mỹ viện quốc tế", thực chất chỉ là hộ kinh doanh dịch vụ chăm sóc da. Đây cũng là cơ sở được phản ánh trong vụ việc "Chi 200 triệu đồng làm đẹp ở thẩm mỹ viện, người phụ nữ nhận lại sự đau đớn" mà VietNamNet thông tin.
Ngày 28/12, Sở Y tế TP.HCM cho biết qua xem xét hồ sơ, nhận thấy cơ sở này có tính chất đối phó với cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ nhất, cơ sở này đã tái phạm hành vi hoạt động khám chữa bệnh không phép, không chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Sở Y tế.
Thứ hai, thực hiện các Hợp đồng chuyển nhượng (không số) giữa các cá nhân là chủ cơ sở để tránh việc xử lý vi phạm hành chính của cơ quan chức năng, tránh giải quyết các phản ánh của khách hàng sử dụng dịch vụ tại cơ sở.
Thực tế, cuối năm 2022, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM và chính quyền địa phương đã kiểm tra hoạt động của thẩm mỹ viện Manhattan, ghi nhận có vi phạm.
Ngày 10/1, Thanh tra Sở Y tế ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị Vệ (chủ hộ kinh doanh) và bà Từ Thị Cẩm Tiên (kỹ thuật viên chăm sóc da). Đến nay, cơ sở chưa chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Ngày 6/11, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM tiếp tục kiểm tra cơ sở từ phản ánh của người dân, ghi nhận có hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh mà chưa được cấp giấy phép hoạt động theo quy định.
Thanh tra Sở Y tế đã yêu cầu ngưng ngay hoạt động khám chữa bệnh trái phép và nghiêm túc chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Trước tình trạng tái diễn vi phạm trên, ngày 8/12, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã có công văn gửi Công an quận 10 về việc đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật Công ty TNHH Viện Thẩm mỹ quốc tế Manhattan. Sau khi có kết luận từ công an, Thanh tra Sở Y tế sẽ xem xét xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Như VietNamNet đã phản ánh, chị Ngô Thị Ly (38 tuổi, Lâm Đồng, tên nhân vật đã thay đổi) từng đến thẩm mỹ viện Manhattan làm đẹp với chi phí 200 triệu đồng.
Tại cơ sở này, chị Ly đã thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ như gói nâng ngực bao đẹp (cấy tế bào gốc tự thân), enzym giảm mỡ bụng dưới, cấy sợi liên kết, treo sợi sa trễ. Tuy nhiên, người phụ nữ phải nhận hậu quả vô cũng nghiêm trọng về sức khỏe, tiền bạc và tinh thần do các biến chứng của các dịch vụ trên.
Kết quả thăm khám tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho thấy chị Ly bị viêm vú, áp xe vú phải, phải điều trị và theo dõi kéo dài. Ngoài ra, kỹ thuật “nâng ngực bằng tế bào gốc” hoàn toàn không có trong danh mục kỹ thuật được Bộ Y tế cho phép.
Ông Q.V, người nhận là chủ mới của cơ sở thẩm mỹ ở địa chỉ 330 Cao Thắng, quận 10 cho biết đã mua lại thẩm mỹ viện Manhattan. Cơ sở đã được đổi tên, đổi chủ. Do đó, “nếu chị Ly đi khám thì tôi hỗ trợ chi phí đi lại chứ không thể hoàn phí dịch vụ được”, ông Việt nói.
Một phụ nữ tên N.H.N.L. (32 tuổi, quê Lâm Đồng) cũng phản ánh về biến chứng nặng sau khi nâng ngực bằng phương pháp "tế bào gốc" tại thẩm mỹ viện Manhattan. Người này cho biết sau 2 tháng thực hiện dịch vụ, ngực của chị bị áp xe, mủ và máu chảy ra không ngừng. Thẩm mỹ viện xử lý biến chứng 2 lần nhưng tình trạng ngày càng nặng hơn.
Một cơ sở y tế chẩn đoán chị bị áp xe ngực trái, hạch viêm phản ứng vùng nách, trên nền tiêm chất làm đầy bằng dung dịch. Chị L. cũng đã gửi đơn lên Thanh tra Sở Y tế TP.HCM.