Lời Tòa soạn:

Hiện cả nước chuẩn bị các phương án thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã để tiến tới mô hình chính quyền địa phương 2 cấp gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở (cấp xã).

Chính vì vậy, tổ chức bộ máy của cấp xã tới đây sẽ có nhiều thay đổi:

-      Dự kiến cả nước sẽ còn khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã thay vì 10.035 như hiện nay.

-      Cấp xã sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện nay; được trao nhiều quyền hạn hơn và sẽ có trung tâm hành chính công.

-       Một số cán bộ công chức cấp huyện, cấp tỉnh sẽ về xã.

-       Sẽ thực hiện chế độ công chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương, không phân biệt công chức cấp xã với cấp tỉnh.

Trước mắt, Bộ Nội vụ đề xuất giữ nguyên số lượng biên chế cấp xã nhưng trong vòng 5 năm sau khi sắp xếp sẽ thực hiện tinh giản cán bộ, công chức cấp xã không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

VietNamNet thực hiện loạt bài “Sáp nhập xã: Ai đi, ai ở?” ghi nhận những câu chuyện thực tế từ đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động đang làm việc ở cấp xã. Từ đó, đặt ra những vấn đề cần giải quyết trong quá trình sắp xếp lại các đơn vị hành chính thời gian tới.

Sau khi tốt nghiệp đại học (tăng cường), anh Lê Doãn Trình về công tác ở xã Xuân Cao (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đến nay đã gần 15 năm. 

Anh Trình là công chức văn hóa - xã hội kiêm nhiệm thêm công việc ở văn phòng một cửa của xã. Hai nhiệm vụ chia đều 50-50 dù chỉ hưởng lương một nhiệm vụ. 

Ngày học đại học, anh nhớ học vi tính chỉ được học lý thuyết, không có thực hành. Về xã làm việc, để đáp ứng yêu cầu công việc, anh phải tự mày mò, học hỏi dần dần. Bây giờ, ở xã, anh là một trong số những người khá tự tin về trình độ công nghệ thông tin. 

Những người đang làm tốt thì ở đâu cũng làm tốt

Ở xã Xuân Cao, không chỉ riêng anh, nhiều công chức xã đang phải kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác ngoài nhiệm vụ được giao. “Bởi vì công việc ở văn phòng UBND xã luôn quá tải. Trước đây, văn phòng xã chỉ được bố trí 1 người, vừa mới tăng thêm 1 người nữa”.

Làm ở bộ phận giải quyết chính sách cho người dân, ngoài việc xử lý hồ sơ, tiếp dân, anh thường xuyên phải xuống thôn, bản để trực tiếp trao đổi, làm việc với bà con. 

W-X Đồng Xuân   H Thanh Ba   Phú Thọ, 1 cửa 1 dấu_6358.jpg
Ảnh minh họa: Phạm Hải

Trước chủ trương tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại các đơn vị hành chính, anh Trình cho biết, anh và nhiều công chức xã rất ủng hộ, mong muốn những thay đổi sắp tới sẽ giúp phục vụ người dân tốt hơn. Anh cho rằng, việc không tổ chức cấp huyện để người dân không phải “đi vòng” nhiều cấp là hướng đi đúng đắn. Vấn đề là phải bố trí cán bộ, công chức sao cho hài hòa giữa các cấp.

Về những tranh cãi trong thời gian tới nên chọn công chức xã có bằng tại chức hay chính quy, cấp huyện hay cấp xã tốt hơn…, anh Trình cho rằng, cấp huyện lâu nay làm công tác điều phối, mặt bằng chung về trình độ, các kỹ năng công nghệ thông tin… sẽ hơn cấp xã. Ngược lại, cán bộ cấp xã có kinh nghiệm làm việc với dân, sâu sát với cơ sở. Nếu biết kết hợp hài hòa thì kết quả chung sẽ đạt hiệu quả cao. 

“Những người đang làm tốt thì ở đâu cũng làm tốt. Nhưng sau khi sáp nhập xã, sẽ sắp xếp vị trí theo việc làm, việc của ai người ấy làm thì sẽ có những người khó đáp ứng được yêu cầu công việc”, anh Trình phân tích.

Theo anh, bằng cấp quan trọng và bằng chính quy thường sẽ tốt hơn. Nhưng tấm bằng không quyết định tất cả.

“Không phải tất cả những người học chính quy đều làm việc tốt hơn những người không học chính quy. Có những người làm tốt nhờ tự học và có tinh thần học tập”, anh Trình chia sẻ. Bản thân anh lúc nào cũng trong tâm thế nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc thì sẵn sàng nghỉ việc theo quy định.

“Các chế độ chính sách cho cán bộ, công chức thôi việc trong đợt sáp nhập này đều đã rõ ràng và đảm bảo quyền lợi. Ở địa phương tôi cũng đã có một số đồng chí xin nghỉ trước tuổi”, anh cho biết.

Sàng lọc, đánh giá cả công chức cấp tỉnh, huyện khi về xã

Chia sẻ với VietNamNet về câu chuyện công chức xã nên có trình độ đại học tại chức hay chính quy, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, đã là bằng đại học được Nhà nước công nhận thì không phân biệt tại chức hay chính quy.

Để xét năng lực cán bộ, công chức, cần dựa vào kết quả công việc thực tiễn cũng như quá trình sát hạch, sàng lọc.

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cũng đã đề xuất sẽ không phân biệt công chức cấp xã, cấp tỉnh, cấp Trung ương. Vì thế, theo nguyên Thứ trưởng, thời gian tới, việc sàng lọc, đánh giá công chức không chỉ áp dụng với công chức cấp xã, mà cả với công chức cấp huyện được điều chuyển về, cũng như cả cấp tỉnh và cấp Trung ương. 

nguyentiendinh0 107785.jpg
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Ngọc Thắng

Các tiêu chí để sàng lọc, chọn lựa có thể tùy thuộc từng địa phương. Ông lấy ví dụ việc này đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện với bộ tiêu chí riêng.

“Dựa trên cơ sở tiêu chí chung đã được luật hóa, các địa phương sẽ cụ thể hóa thêm để xây dựng bộ tiêu chí riêng phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của mình”.

Về cách thức sát hạch, ông cho rằng, có thể thực hiện bằng cách phỏng vấn trực tiếp hoặc thi trên máy. 

Về trình độ công nghệ thông tin, ai chưa làm tốt thì phải học để tự nâng cao năng lực của mình. Vị trí nào cần ngoại ngữ thì phải yêu cầu cả kỹ năng ngoại ngữ. 

“Bên cạnh đó còn có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, kỹ năng tuyên truyền và thuyết phục. Đó chính là kỹ năng chung”.

Ngoài các tiêu chí về năng lực, trình độ, kết quả công việc thực tiễn, tiêu chí về đạo đức, thái độ cũng hết sức quan trọng. 

“Bởi vì bây giờ là Nhà nước kiến tạo, Nhà nước phục vụ. Tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân phải đặc biệt được nêu cao. Sự hài lòng của người dân với cán bộ, công chức là tiêu chí đặc biệt quan trọng”, ông Dĩnh nói.

Tính đến ngày 31/12/2024, số lượng cán bộ, công chức cấp xã là trên 212.600 người, trong đó có 92,4% tốt nghiệp đại học trở lên và 7,6% tốt nghiệp cao đẳng trở xuống.

Theo đó, số lượng cán bộ, công chức xã không đạt tiêu chuẩn chỉ chiếm tỷ lệ ít, sẽ được giải quyết theo chính sách, bảo đảm lợi ích chính đáng theo quy định của Chính phủ.