Số lượng vụ án cần giải quyết hằng năm lớn và tăng nhanh khiến hệ thống tòa án nói chung và các thẩm phán nói riêng rơi vào tình trạng quá tải. Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel CyberSpace) đã triển khai nghiên cứu, phát triển trợ lý ảo pháp luật phục vụ ngành Tòa án Việt Nam. 

Trải qua hơn 1 năm thử nghiệm, đây là trợ lý ảo duy nhất tại Việt Nam sở hữu hệ thống tri thức pháp luật lớn và đáng tin cậy. Phần mềm đã chứng minh được hiệu quả khi giúp giảm 30% lượng công việc so với thao tác truyền thống, tối ưu thời gian vận hành của toàn bộ hệ thống tòa án.

Trợ lý ảo xua tan những bỡ ngỡ và hoài nghi ban đầu

Từ khi Tòa án Nhân dân Tối cao triển khai phần mềm trợ lý ảo đến tất cả tòa án trên cả nước, các thẩm phán đều được cấp tài khoản và mật khẩu sử dụng phần mềm này. 

Chia sẻ với VietNamNet những cảm xúc đầu tiên khi tiếp xúc với trợ lý ảo, thẩm phán Lê Thị Khanh - Tòa án Nhân dân (TAND) quận Cầu Giấy cho hay: “Ban đầu khi mới biết đến trợ lý ảo, mọi người có cảm giác là máy móc, CNTT ấy mà, sẽ khó để sử dụng”. 

Tôi có thói quen làm việc dựa trên các văn bản pháp luật và kinh nghiệm của mình. Nhưng sau khi sử dụng trợ lý ảo quen rồi, tôi thấy vô cùng hữu hiệu. Thay vì phải đi hỏi, lật giở hàng đống tài liệu, trợ lý ảo sẽ chỉ dẫn ngay cho mình. Đó là điều rất tốt, thay đổi hẳn thói quen tra cứu”, thẩm phán Lê Thị Khanh nói. 

W-tro-ly-ao-phap-luat-6-1.jpg
Thẩm phán Lê Thị Khanh - TAND quận Cầu Giấy.

Theo bà Khanh, TAND quận Cầu Giấy hiện có 13 thẩm phán, ban đầu mọi người còn bỡ ngỡ với trợ lý ảo pháp luật, nhưng khi quen rồi, ai cũng nói rất hiệu quả. 

Một trong những nhiệm vụ của các thẩm phán phải công khai bản án trên trang web cổng thông tin công bố bản án của Tòa án Nhân dân Tối cao. Khi chưa có trợ lý ảo, các thẩm phán được hỗ trợ bởi đội ngũ thư ký là người thật. Họ có nhiệm vụ mã hóa thông tin chi tiết về nhân vật trong bản án trước khi công khai theo quy định. Thẩm phán sau đó sẽ rà soát lại việc mã hóa dữ liệu theo cách thủ công, bằng tay. 

Tùy theo độ dài, thông thường một buổi các thẩm phán cùng thư ký hỗ trợ chỉ mã hóa được 4-5 bản án. Kể từ khi có phần mềm trợ lý ảo, việc mã hóa diễn ra rất nhanh, thậm chí chỉ mất 30-40 phút đã có thể mã hóa 10-15 bản án.

W-tro-ly-ao-phap-luat-3-1.jpg
Kể từ khi được đưa vào sử dụng, trợ lý ảo được nhận xét là giúp ích nhiều cho công việc của các thẩm phán. 

Trợ lý ảo cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc trao đổi nghiệp vụ. Với những tình huống pháp luật phát sinh, trợ lý ảo sẽ cung cấp cho thẩm phán công cụ tham khảo trong các tình huống đó, để xem các đồng nghiệp ở những địa phương khác trên cả nước giải quyết thế nào.

Có những vụ án rất ít khi xảy ra, ví dụ như vụ sư thầy Lê Hữu Long ở chùa Nga Hoàng (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Những vụ việc kiểu này có rất ít tư liệu, thông qua trợ lý ảo, mình có thể đăng lên tham khảo ý kiến các thẩm phán trên cả nước, từ đó hỗ trợ việc đưa ra nhận định”, thẩm phán Lê Thị Khanh chia sẻ. 

Ở góc độ một người sử dụng thường xuyên, thẩm phán Lê Thị Khanh cho rằng, trợ lý ảo pháp luật của Viettel là công cụ rất tốt cho các thẩm phán, đặc biệt là những thẩm phán trẻ, mới vào nghề, những thẩm phán mới ở nhiệm kỳ đầu. 

Nỗ lực vì ước mơ trợ lý ảo cho người Việt

Tính đến nay, trợ lý ảo pháp luật đã có hơn 3 triệu lượt sử dụng, trung bình có 5.000 - 6.000 lượt hỏi đáp, tra cứu mỗi ngày. Thông qua kết quả khảo sát với 1.031 lượt đánh giá, 99% người sử dụng đánh giá cao độ hữu ích của sản phẩm. Tỷ lệ người sử dụng chưa hài lòng chỉ chiếm 5,22%. 

Theo CyberSpace Center, nhờ được thiết kế riêng dựa trên dữ liệu của người Việt, sản phẩm có thể xử lý tốt ngôn ngữ tiếng Việt ngay cả khi ngôn ngữ sử dụng thay đổi theo cách phát âm riêng của từng vùng, miền.

Trợ lý ảo pháp luật của Viettel có thể giới thiệu luật, pháp lệnh, thông tư, nghị định chính xác đến từng điều, khoản của văn bản pháp quy và thời điểm có hiệu lực, phù hợp với thời gian xảy ra vụ việc hay giới thiệu các tình huống tương tự dựa trên kho dữ liệu được lưu trữ.

W-tro-ly-ao-phap-luat-2-1.jpg
Ông Trần Mạnh Quân, Phó Giám đốc Khối Nền tảng Trợ lý ảo, Trung tâm Không gian mạng Viettel chia sẻ về trợ lý ảo pháp luật. 

Ứng dụng có thể hỗ trợ lập kế hoạch giải quyết án, tạo lập và quản lý hồ sơ án điện tử, thậm chí chỉ dẫn chi tiết các bước, biểu mẫu thực hiện theo đúng quy định về tố tụng như một sổ tay điện tử cho từng vụ án. 

Công cụ này còn tự động tạo các tài liệu pháp lý mẫu như giấy triệu tập, quyết định tạm giam, hỗ trợ viết một phần nội dung bản án, tiếp nhận đơn, chuẩn bị trước, trong và sau phiên tòa…

Để làm được điều đó, trợ lý ảo pháp luật sở hữu hệ thống cơ sở tri thức ngành với hơn 160.000 văn bản pháp luật, 63 án lệ và hơn 1 triệu bản án. Trong đó, hơn 1.200 quyết định giám đốc thẩm và hơn 80.000 bản án phúc thẩm do Tòa án Nhân dân Tối cao cung cấp.

Từ những thành tựu đã đạt được, ông Nguyễn Công Thắng, đại diện nhóm phát triển sản phẩm cho hay, tầm nhìn của Viettel là phổ cập trợ lý ảo pháp luật tới mọi người dân Việt Nam, hỗ trợ họ đoán định được tình huống pháp lý mà mình gặp phải.

Tuy vậy, để tiến tới ước mơ đó, trợ lý ảo Viettel trước tiên phải giải quyết được các yêu cầu đặt ra bởi người dùng. Khi được hỏi về mong muốn trợ lý ảo pháp luật được bổ sung, nâng cấp gì, theo thẩn phán Lê Thị Khanh, điều mà các thẩm pháp trên cả nước mong muốn trợ lý ảo làm tốt hơn chính là tính sát thực. 

Làm rõ về vấn đề này, thẩm phán Lê Thị Khanh nêu dẫn chứng: “Ví dụ chúng tôi đặt ra câu hỏi chia tài sản chung của vợ chồng về cổ phần trong công ty chẳng hạn. Trợ lý ảo đưa ra cho tôi mấy chục câu trả lời thay vì đi cụ thể vào từng vấn đề”.

Theo thẩm phán TAND quận Cầu Giấy, điều này chỉ có thể được giải quyết khi phần mềm trợ lý ảo được xây dựng bởi những người có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, bề dày thực tế trong công tác xét xử. “Ngoài các văn bản pháp luật, nếu có thêm ý kiến tham khảo thì câu trả lời từ trợ lý ảo sẽ sát thực hơn, cụ thể, trọng tâm hơn và đi thẳng vào những vấn đề cần hỏi”, bà Khanh đưa ra nhận định.

Việt Hùng và nhóm PV, BTV