Ngay sau khi đến Singapore, chiều tối 8/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân đã dành thời gian gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Singapore.
4 trận "Điện Biên Phủ" thời nay
Thông tin với Thủ tướng, bà Tạ Thùy Liên, Trưởng ban liên lạc cộng đồng người Việt Nam tại Singapore mong muốn Chính phủ hỗ trợ xây dựng các lớp học trực tiếp để gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3.
“Nguyện vọng lớn hơn là đưa tiếng Việt thành môn học chính thức tại Singapore”, bà Liên nhắn nhủ đến Thủ tướng.
Bên cạnh đó, bà cũng cho biết, người Việt tại Singapore cũng gặp khó khăn trong việc cấp căn cước công dân và mã số định danh cá nhân tại Việt Nam, dù có hộ chiếu Việt Nam.
“Ngay trong gia đình tôi, dù con đã 14 tuổi, nhưng khi đưa về Việt Nam để cấp căn cước công dân và mã số định danh thì gặp không ít khó khăn do yêu cầu phải có địa chỉ thường trú”, bà Liên kể.
PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên trường Chính sách công Lý Quang Diệu bày tỏ kỳ vọng vào chuyến thăm lần này của Thủ tướng sẽ ký kết với Singapore các hiệp định hợp tác về kinh tế xanh, kinh tế số. Đây là các lĩnh vực mà Singapore chọn lọc ký hợp tác với rất ít nước. Vì thế, ông mong muốn Việt Nam sẽ thực hiện được vượt kỳ vọng của Singapore.
“Chiến thắng Điện Biên Phủ là một điều kỳ diệu. Liệu trong 9 năm chúng ta có làm được một “Điện Biên Phủ” hay không? Tới năm 2045 là kỷ niệm 100 năm độc lập, chúng ta có rất nhiều 9 năm nữa, phải làm nhiều Điện Biên Phủ hơn nữa”, PGS. Vũ Minh Khương ví von.
Theo ông, trận đánh "Điện Biên Phủ" lần này quan trọng nhất là phải xây dựng “bộ máy công quyền ưu tú” và Việt Nam tham khảo Singapore, trong đó phải tạo ra động lực làm sao để mọi người toàn tâm toàn ý làm việc, cấu trúc không bị chồng chéo và rõ ràng trách nhiệm. Cùng với đó, hàng năm phải có báo cáo, giải trình đã làm gì được để người dân nắm bắt rõ ràng.
Trận "Điện Biên Phủ" thứ 2 là cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bởi đây là khu vực tiềm ẩn những giá trị rất lớn, đang nắm giữ 450 tỷ USD vốn kinh doanh, 750 tỷ USD vốn cố định. Tuy nhiên, DNNN lại quản trị yếu, lợi nhuận thấp, công nghệ kém cần phải cải cách.
Trận "Điện Biên Phủ" thứ 3 chính là xử lý tình trạng ùn tắc khủng khiếp của Hà Nội và TP.HCM nhưng chưa có tàu điện ngầm.
“Làm sao để năm 2030, Hà Nội, TP.HCM ít nhất được như Bangladesh có được khoảng 130 - 150 km tàu điện ngầm. Bởi theo tính toán mỗi năm một thành phố mất cả tỷ USD vì tắc đường”, ông Vũ Minh Khương cho rằng, nếu Thủ tướng giải quyết được bài toán tắc đường này sẽ là một thành tựu lớn.
Trận "Điện Biên Phủ" thứ 4, theo ông Khương, là hợp tác kinh tế xanh và kinh tế số với Singapore.
PGS.TS Vũ Minh Khương cũng kiến nghị lập ủy ban đặc biệt thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Singapore về hợp tác kinh tế xanh và kinh tế số. Mẫu hình hợp tác Việt Nam-Singapore sẽ tạo ra hình mẫu với thế giới. Điều đó chứng minh hình ảnh Việt Nam không chỉ quả cảm trong chiến tranh mà đầu óc sáng lạng, có thể làm được những điều kỳ vĩ trong thời đại mới.
Thủ tướng xúc động khi kiều bào thể hiện tinh thần yêu nước
Chia sẻ với bà con kiều bào, Thủ tướng nêu bài học kinh nghiệm trong quá trình điều hành thời gian qua là càng khó khăn, càng bản lĩnh, linh hoạt, sáng suốt, không bi quan, không quá hốt hoảng vào những thời điểm khó khăn. Đất nước càng khó khăn, tinh thần đại đoàn kết càng được phát huy.
“Luôn luôn giữ bản lĩnh, không đánh mất bản lĩnh; không lạc quan khi có thuận lợi, nhưng không bi quan khi khó khăn” Thủ tướng đúc kết.
Nói về quan hệ với Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ông với Thủ tướng Lý Hiển Long tính từ tháng 4/2021 đến nay là 4 lần gặp trực tiếp. Hầu hết tại các hội nghị đa phương, hai Thủ tướng đều gặp nhau và bàn về các định hướng phát triển kinh tế hai nước rất rõ ràng.
Thủ tướng bày tỏ hy vọng, chuyến thăm lần này, hai bên sẽ có những quyết định đột phá, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn.
“Đây là những vấn đề hai Thủ tướng thảo luận nhiều lần. Lần này, hai bên cùng thảo luận đưa ra lộ trình cụ thể để thực hiện. Đặc biệt nước ta có nắng và gió là điều kiện phát triển năng lượng xanh rất tốt”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam kỳ vọng.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho biết, trong chuyến thăm lần này, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về việc xây dựng đường truyền tải điện đi qua Biển Đông.
Bày tỏ rất xúc động khi nghe các ý kiến đóng góp của bà con kiều bào thể hiện tinh thần yêu nước rất cao, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt tại Singapore, là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là một trong những động lực, cội nguồn sức mạnh phát triển của đất nước”.
Nêu rõ, mục tiêu cao nhất của Đảng, Nhà nước ta là giữ vững độc lập chủ quyền; nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc, Thủ tướng yêu cầu Đại sứ quán tạo điều kiện tốt nhất cho bà con kiều bào phát triển toàn diện, có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc.
Về đề xuất phát triển dạy tiếng Việt tại Singapore, người đứng đầu Chính phủ cho biết, đây là chủ trương và cũng là trăn trở của Thủ tướng khi đi đến thăm nhiều nước. Đó là làm sao cho con em người Việt Nam ở nước ngoài thế hệ sau biết Tiếng Việt.
“Chúng tôi đã có đề án phát triển Tiếng Việt cho bà con ở nước ngoài”, người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định, đây là nguyện vọng chính đáng của bà con kiều bào.
Về tạo điều kiện cho bà con kiều bào được về nước cấp thẻ căn cước công dân, Thủ tướng ghi nhận và cam kết, Chính phủ sẽ xem xét dựa trên cơ sở pháp lý, các công ước quốc tế, ký kết song phương với các nước để tính toàn phù hợp.
Về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Thủ tướng cho biết, đây cũng là nhiệm vụ trong chuyến đi lần này. Việt Nam cần học tập tinh thần đổi mới sáng tạo của Singapore, làm sao để kết nối chuyên gia, trí thức nhiều hơn.
Về các đề xuất của PGS.TS. Vũ Minh Khương, Thủ tướng thống nhất cần xây dựng bộ máy công quyền ưu tú. Đây là một trong 3 đột phá chiến lược mà Chính phủ đang triển khai thực hiện theo Nghị quyết Trung ương. Về vấn đề minh bạch trong hoạt động của cơ quan công quyền, Thủ tướng cho hay, Việt Nam đang phấn đấu thực hiện việc này, trách nhiệm minh bạch là rất cần thiết.
Về cải cách DNNN, Thủ tướng cho biết, đây là chủ trương lớn mà Việt Nam đang làm nhưng kết quả chưa như mong muốn. Vì vậy, cần học tập Singapore để chuyển đổi nguồn lực từ DNNN được hiệu quả hơn.
Về phát triển hạ tầng đô thị, Thủ tướng cũng thông tin, nội dung này cũng nằm trong đột phá chiến lược. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực để thực hiện chưa được nhiều. Nhiệm kỳ trước dành 140.000 tỷ đồng cho đầu tư hạ tầng nhưng chỉ huy động 130.000 tỷ đồng. Nhiệm kỳ này dành 500.000 tỷ đồng, gấp 3 nhiệm kỳ trước để thực hiện việc này.
Người đứng đầu Chính phủ hy vọng với nguồn lực đầu tư này sẽ tạo đột phá trong phát triển hạ tầng, hoàn thành cao tốc Bắc - Nam...
Hà Nội và TP.HCM đang quyết tâm làm 2 đường vành đai 3, 4 với nguồn lực đầu tư gần 90.000 tỷ cho mỗi đường để từng bước cải thiện được tình trạng ùn tắc giao thông.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thông báo, trong năm nay Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ sang thăm Việt Nam. Công việc giữa hai nước rất sôi động, không thể nào một chuyến thăm chính thức giải quyết hết nên Thủ tướng bày tỏ tán thành ý kiến của PGS.TS. Vũ Minh Khương là lãnh đạo 2 nước sẽ tổ chức các cuộc gặp thường niên.
“Chúng ta có chủ trương ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng, các nước trong khu vực ASEAN. Trước khi tôi lên đường, Tổng Bí thư có dặn dò là cố gắng thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN, đưa quan hệ với từng nước đi vào thực chất, hiệu quả”, Thủ tướng thông tin.
Thủ tướng mong bà con kiều bào luôn luôn giữ hình ảnh người Việt Nam thân thiện, hiếu khách, cầu thị, thể hiện được trí thông minh của người Việt và giữ bản sắc văn hóa dân tộc, anh hùng bất khuất, chịu thương chịu khó vươn lên từ khó khăn, không khuất phục bất trước cứ khó khăn nào.