Thời gian qua, thực hiện chuyển đổi số, thanh niên huyện Thăng Bình (Quảng Nam) số hóa 22 “địa chỉ đỏ” tích hợp mã QR và gắn lên bản đồ để phục vụ nhu cầu tra cứu di tích lịch sử, văn hóa; xây dựng thư viện số có hơn 700 đầu sách và tài liệu với 10.000 lượt truy cập.
Tuổi trẻ địa phương còn thành lập “ngân hàng máu sống trực tuyến” có khoảng 200 tình nguyện viên sẵn sàng hiến máu cứu người; xây dựng trang quảng bá sản phẩm khởi nghiệp thanh niên Thăng Bình...
Riêng năm 2024, tuổi trẻ Thăng Bình phối hợp tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” với sự tham gia của hơn 7.000 thí sinh.
Các cơ sở đoàn hỗ trợ hơn 17.000 lượt thanh thiếu nhi tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số; giúp hơn 11.000 thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hơn 15.000 thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử…
Theo anh Đoàn Thiện Ngọc Vũ - Bí thư Huyện đoàn Thăng Bình, hiện nay trên không gian mạng vẫn còn nhiều cám dỗ, cần trang bị kiến thức sử dụng mạng xã hội an toàn.
Anh Vũ cho rằng: “Hiện nay có nhiều trang khác nhau gắn với tên địa phương Thăng Bình nhưng thông tin chưa chính thống. Do đó huyện cần phải xây dựng một website riêng để định hướng dư luận”.
Trong buổi đối thoại mới đây với lãnh đạo huyện Thăng Bình, liên quan đến thực hiện Đề án 06, anh Lê Thống Nhất - Bí thư Đoàn xã Bình Nam nêu vấn đề: Công dân muốn nộp hồ sơ trực tuyến hoặc tích hợp giấy tờ phải có tài khoản định danh điện tử mức 2. Nhưng hiện nay xã Bình Nam chỉ có 30% người dân đã cài đặt tài khoản định danh điện tử mức 2.
Giải pháp nào để nhanh chóng thực hiện 70% còn lại, bởi hiện nay người dân người dân địa phương khi đi làm tài khoản định danh điện tử mức 2 phải đến Công an huyện chờ đợi từ rất sớm và rất lâu.
Ngoài ra, cần có phương pháp tuyên truyền, vận động để người dân hưởng ứng và an tâm thực hiện các nội dung chuyển đổi số, tránh bị lừa đảo…
Về vấn đề này, Thượng tá Võ Văn Hiếu - Phó Trưởng Công an huyện cho biết, đến nay Công an huyện đã cấp gần 76.000 tài khoản định danh điện tử mức 2. Hiện còn 96.000 người đủ điều kiện nhưng chưa được cấp.
Để đẩy nhanh tiến độ, nếu như trước đây Công an huyện giải quyết tại trụ sở mỗi tuần 3 ngày thì hiện nay thực hiện xuyên suốt cả tuần. Đồng thời triển khai lực lượng thực hiện lưu động tại các xã, thị trấn và trường THPT.
Khó khăn hiện nay là máy móc phục vụ thực hiện định danh mức độ 2 cho người dân đang thiếu; do đó đề nghị huyện cần bố trí kinh phí để mua sắm máy móc phục vụ công dân.
Đối với việc lừa đảo trên mạng, Thượng tá Võ Văn Hiếu nói, hiện nay tội phạm đã chuyển hóa, hình thức tinh vi hơn. Trước đây lừa đảo và trộm cắp được thực hiện trực tiếp, giá trị tài sản không lớn.
Còn bây giờ cả bị hại và đối tượng gây án đều gián tiếp qua không gian mạng. Số tiền lừa đảo hoặc trộm cắp tương đối cao. Giải pháp trước hết là phải nâng cao cảnh giác, người dân phải tự bảo vệ bản thân.
Khuyến nghị người dân chỉ theo dõi và thực hiện các hướng dẫn từ trang chính thức của Công an huyện.
Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình khẳng định, huyện xác định chuyển đổi số là động lực cho sự phát triển, trong đó thanh niên là lực lượng nòng cốt và cần phải phát huy bản lĩnh, trí lực để tham gia trong cuộc cách mạng này.
Về máy móc đầu tư để thực hiện định danh điện tử mức 2, huyện thống nhất trang bị để phục vụ người dân; đồng thời bố trí thực hiện cho học sinh các trường THPT. Việc xây dựng website huyện Thăng Bình giao cho Phòng Văn hóa - Thông tin tham mưu thực hiện trong quý I/2025.
Theo GIANG BIÊN (Báo Quảng Nam)