Musk chính thức tiến vào trụ sở Twitter cùng một cái bồn rửa mặt vào ngày 26/10. Ngày 27/11 đánh dấu một tháng tỷ phú giàu nhất thế giới tiếp quản Twitter. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, Musk đã kịp đuổi việc một nửa nhân sự, gửi tối hậu thư cho những người ở lại, khôi phục tài khoản của những nhân vật gây tranh cãi và liên tục đưa ra ý tưởng mới về tích xanh, tích xám, tích vàng.
Sa thải ban lãnh đạo, đuổi việc một nửa nhân viên
Ngay sau khi hoàn tất thâu tóm Twitter, Musk đã sa thải dàn lãnh đạo, bao gồm CEO Parag Agrawal. Sau đó, ông trở thành CEO và giám đốc duy nhất của công ty. “Mở bài” kịch tính này kéo theo hàng loạt sự kiện gây sốc phía sau.
Musk tiếp tục đuổi việc một nửa nhân sự Twitter chỉ trong vài ngày. Đêm ngày 3/11 và sáng 4/11, vô số nhân viên thông báo bị khóa khỏi tài khoản email doanh nghiệp hay các kênh liên lạc nội bộ khi Twitter bắt đầu hành động.
Hàng loạt bộ phận bị ảnh hưởng như đạo đức AI, tiếp thị, truyền thông, tìm kiếm, chính sách công… Khi mọi người gửi lời tạm biệt lẫn nhau, Musk hầu như im lặng về quyết định của mình. Không chỉ có vậy, ông còn công khai sa thải một kỹ sư vì “đấu tố” trên Twitter.
Tối hậu thư cho người ở lại
Đêm muộn ngày 16/11 sau khi “thanh lọc” nhân viên, Musk gửi tối hậu thư cho những người ở lại, yêu cầu họ cam kết “làm việc cật lực” hoặc rời công ty với ba tháng lương đền bù. Ông cho rằng đây là điều cần thiết để xây dựng “Twitter 2.0” và thành công trong thế giới ngày càng cạnh tranh.
Trong thư, Musk vạch ra lộ trình tiếp theo của Twitter sẽ do các kỹ sư dẫn dắt nhiều hơn. “Nếu chắc chắn muốn là một phần của Twitter mới, hãy bấm Yes vào liên kết phía dưới”. Những ai chưa hoàn thành mẫu đăng ký vào 5 giờ chiều ngày hôm sau sẽ bị thôi việc.
Nhà quảng cáo tháo chạy
Cùng với sự ra đi của nhân viên Twitter là sự tháo chạy của các nhà quảng cáo. Từ khi Musk tiếp quản Twitter, nhiều nhãn hàng lớn xác nhận tạm dừng quảng cáo trên nền tảng do các tổ chức hoạt động cộng đồng dấy lên lo ngại về hướng đi của Twitter.
Gần một tuần sau khi thâu tóm Twitter, Musk cho biết nền tảng ghi nhận “doanh thu giảm mạnh” dù không có gì thay đổi đối với việc quản trị nội dung và đang làm mọi thứ để trấn an các nhà quảng cáo. Musk tố cáo các nhà hoạt động “cố gắng hủy hoại tự do ngôn luận tại Mỹ”.
Hỗn loạn quanh dấu tích
Một khía cạnh khác bị Musk đảo lộn tại Twitter là dấu tích xanh. Từ lâu, dấu tích dùng để xác thực tài khoản của các chính khách, nhà báo, nhân vật của công chúng. Song, Musk gọi hệ thống cũ là “vớ vẩn” và muốn mang lại công bằng cho mọi người với giá 8 USD/tháng.
Ngày 5/11, Twitter ra mắt phiên bản Twitter Blue mới để người dùng đăng ký và nhận được tích xanh mà không cần xác thực. Chỉ trong vài ngày, Twitter bị chìm trong làn sóng giả mạo người nổi tiếng, doanh nghiệp. Chính vì vậy, Musk phải thông báo hoãn dịch vụ mới đến cuối tháng. Ngày 24/11, Musk lại đưa ra kỳ hạn 2/12 và tiết lộ về các dấu tích mới tùy thuộc theo loại tài khoản. Cụ thể, Twitter sẽ có tích xanh, tích xám và tích vàng.
Khôi phục tài khoản bị cấm
Ngày 19/11, Musk khôi phục tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump bị Twitter cấm sau vụ bạo loạn Đồi Capital ngày 6/1/2021. Trước đó, Twitter cũng mở lại tài khoản cho một số nhân vật gây tranh cãi.
Musk đã trưng cầu ý kiến của người dùng Twitter về việc có mở tài khoản của ông Trump hay không. 51,8% người tham gia đồng ý. Musk tweet: “Mọi người đã lên tiếng. Ông Trump sẽ được khôi phục. Tiếng nói của mọi người là tiếng nói của Chúa”.
Dù vậy, ông Trump cho biết chưa thấy lý do gì để quay lại Twitter. Từ khi được mở khóa tới nay, ông chưa đăng gì trên tài khoản.
Những quyết định gần đây của Musk xung đột với phát ngôn lúc trước. Vài ngày sau khi mua lại Twitter, Musk khẳng định mạng xã hội sẽ thành lập hội đồng quản trị nội dung với các quan điểm đa dạng. Ông nói sẽ không có quyết định lớn nào hay khôi phục tài khoản nào xảy ra trước khi hội đồng ra đời.
(Theo CNN)