Di tích lịch sử Đền Cổ Loa (còn gọi là đền Thượng hay đền thờ An Dương Vương), thờ đức vua An Dương Vương - người kế tiếp thời đại Hùng Vương, có công lập nước Âu Lạc, chuyển kinh đô từ Phong Châu (vùng Bạch Hạc Việt Trì, Phú Thọ) về Cổ Loa, xây thành, đắp lũy chống giặc, bảo vệ chủ quyền dân tộc, từ 208 - 179 TCN.
Cổ Loa lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng độc đáo
Lễ hội Cổ Loa còn có tên gọi lễ hội Bát xã Loa thành hay lễ hội Bát xã Hộ Nhi, được tổ chức trong 2 ngày (Mùng 5 - 6), ngày Mùng 6 là chính hội. Sau ngày Mùng 6 tháng Giêng, 7 làng còn lại trong “Bát xã Hộ nhi” tổ chức lễ hội tại làng mình cho đến ngày 18 tháng Giêng mới dã đám.
Không gian thực hành lễ hội là khu vực thành Nội thuộc xã Cổ Loa, nơi có quần thể các di tích kiến trúc đền, đình, am, điếm, nơi thờ phụng chính đức vua An Dương Vương, Mỵ Châu, thần Kim Quy, tướng quân Cao Lỗ và các nhân vật liên quan.
Lễ hội Cổ Loa được chia làm 2 phần là Phần lễ và Phần hội, với nhiều hoạt động thú vị như nghi thức tế lễ, đám rước, trò chơi dân gian, lễ tế tạ trời đất…
Buổi tế Hội đồng ở Cổ Loa diễn ra hơn hai tiếng qua 67 lần xướng. Đây là nghi thức quan trọng nhất trong phần lễ của lễ hội Cổ Loa do các cụ ông thực hiện nhằm mục đích đón rước và thỉnh mời thần về dự hưởng lễ vật. Hai cụ Thủ hiệu trống đại, chiêng đại cử 3 hồi 9 tiếng khai mạc lễ hội. Anh Cả Quậy đọc lời chúc mừng, làm lễ và đọc lời mật khẩn, thực hiện tại chiếu trên trước cửa đền.
Chính vì lễ hội có nhiều điểm độc đáo, chứa đựng nét đẹp văn hóa và mang giá trị truyền thống dân tộc nên ngày 03/2/2021, lễ hội Cổ Loa được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 603/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Không chỉ lưu giữ nhiều giá trị văn hóa độc đáo mà tại Cổ Loa còn lưu giữ những giá trị lịch sử vô cùng quý giá. Đặc biệt bộ sưu tập khuôn đúc Cổ Loa được công nhận bảo vật quốc gia ngày 31/12/2020 tại Quyết định số 2283/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ.
Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa bao gồm 11 mang khuôn đúc bằng đá, trong đó có 10 mang khuôn đúc mũi tên ba cạnh và 1 mang đúc mũi lao hình cánh én, được chế tác từ một loại đá (sa thạch) hạt mịn, mềm, rất phù hợp với chất liệu đá làm khuôn đúc. Đây là những hiện vật gốc, độc bản, phát hiện duy nhất được biết cho tới nay ở Việt Nam, có giá trị đặc biệt, được tôn xưng như một danh từ riêng: Mũi tên đồng Cổ Loa.
Sưu tập khuôn đúc, cùng với di tích lò đúc, sản phẩm đúc là mũi tên đồng ba cạnh và hiện vật đi cùng, kể từ sau khi phát hiện, đã gây tiếng vang lớn. Đây là phát hiện cực kỳ quan trọng và giá trị góp phần giải mã bí mật huyền thoại nỏ thần thời kỳ An Dương Vương.
Hiện tại, bảo vật quốc gia Sưu tập khuôn đúc Cổ Loa đang được bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị bởi Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa.
Mai Ngọc
Vở opera 'Công nữ Anio' kể chuyện tình nàng dâu Việt đầu tiên của nước Nhật
Vở opera 'Công nữ Anio' dự kiến được công diễn vào năm 2023 nhân kỷ niệm Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao 50 năm.