Chuyên gia kinh tế Trương Văn Phước trao đổi với Tuần Việt Nam.
Cách đây hơn 1 tháng, ông cảnh báo cần lập “phòng tuyến sông Cầu” cho tỷ giá VND/USD để chặn lạm phát. Lúc đó, tỷ giá VND/USD có biên độ ±3% nhưng biên độ đó đã được điều chỉnh lên ±5%. Bây giờ, ông nhìn nhận cảnh báo đó như thế nào?
Khi nói “phòng tuyến sông Cầu”, tôi muốn nhấn mạnh đến ý, “kẻ địch” mạnh - ở đây là tỷ giá - muốn tấn công, ta mới lập phòng tuyến phòng ngự. Còn ta mạnh, địch yếu thì phòng ngự làm gì!
Nếu chúng ta không lập phòng tuyến đó trong ý thức, và từ ý thức dẫn tới hành động, thì điều gì sẽ xảy ra, đặc biệt khi kim ngạch nhập khẩu hàng năm khoảng 300-400 tỷ USD? Đó là hiện tượng nhập khẩu lạm phát trong quý 4 và thậm chí nửa năm sau.
Câu hỏi đặt ra là các nước khác có biết vậy hay không? Họ biết cả đấy, nhưng vấn đề là giữa cái hiểu biết và hiện thực có khả thi hay không là chuyện khác. Suy cho cùng, tỷ giá vẫn là tỷ giá song phương, đồng USD so với VND, đồng Yên Nhật, đồng Bạt Thái, đồng Euro,... chứ không có tỷ giá giữa USD với 5, 6 đồng tiền.
Vì thế, quá trình “song đấu” giữa đồng USD với các đồng tiền khác còn liên quan đến tương quan giữa các nền kinh tế, đến các biến kinh tế vĩ mô của các nước so với Mỹ. Các nước thừa biết, việc mất giá của đồng tiền của họ sẽ đưa lạm phát của thế giới tràn vào thông qua con đường nhập khẩu.
Với Việt Nam, “phòng tuyến” tỷ giá là một phương tiện để giúp chống lạm phát nhưng bản thân phòng tuyến cũng chính là mục tiêu. Để giữ được phòng tuyến đó thì anh phải làm gì, bằng những công cụ gì, bằng phương pháp gì trong thị trường ngoại hối.
Linh hoạt tháo gỡ chính sách chống đô la hóa
Ông có “vũ khí” gì để giữ “phòng tuyến” đó của ta khi FED đã và sẽ còn tăng lãi suất USD, hút tiền từ khắp nơi về Mỹ?
Cần linh hoạt tháo gỡ chính sách chống đô la hóa hiện nay.
Cách đây gần 30 năm, IMF cho rằng, những nền kinh tế mới nổi cần giảm lượng tiền gửi bằng ngoại tệ trên bảng tổng tiền gửi hệ thống ngân hàng. Khi tôi còn làm Vụ trưởng Vụ quản lí ngoại hối, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giao tôi chắp bút đề án từng bước nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam và hạn chế hiện tượng đô la hoá. Đề án này đã được Thủ tướng Phan Văn Khải phê duyệt.
Tỷ lệ đô la/tổng tiền gửi từ mức 32% ngày đó giảm dần xuống 28% và về 1 con số đến nay. Năm 2015 NHNN đã quy định, tiền gửi bằng ngoại tệ trên hệ thống ngân hàng có lãi suất bằng 0%, khẳng định sự thành công của chính sách chống đô la hóa nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tình thế đã thay đổi rất nhanh, đặc biệt khi FED tăng lãi suất đồng đô la Mỹ, khơi bùng dòng đô la quay lại Mỹ. Tiền sẽ đổ về nơi có lãi suất cao, đó là điều tự nhiên. Vì thế, chúng ta cần xem xét lại quan điểm hạn chế đô la hoá ở mức độ nào là phù hợp. Chính sách tiền tệ thận trọng nhưng linh hoạt cũng là có ý đó.
Trước đây, doanh nghiệp cần thanh toán nhập khẩu thì vay ngoại tệ của ngân hàng thương mại. Ngân hàng thương mại muốn có ngoại tệ cho vay thì phải huy động có lãi suất. Bây giờ, doanh nghiệp không vay được ngoại hối thì phải bỏ tiền đồng ra mua, sinh ra quan hệ cung cầu trên thị trường ngoại hối. Ngân hàng thương mại có ngoại tệ thì bán cho doanh nghiệp nhập khẩu thanh toán. Trường hợp không có ngoại tệ thì phải xin ngân hàng trung ương bán ra.
Đô la hoá biến các quan hệ vay, mượn đô la trở thành các quan hệ mua, bán ngoại hối. Đô la hoá là quá trình chuyển từ việc nhận, vay, gửi đô la thành việc mua, bán ngoại tệ với nhau. Muốn ngăn việc nhận, gửi, vay đô la thì cho lãi suất tiền gửi đô la xuống bằng 0.
Cho nên cần nhận thức lại đô la hoá, nhận thức lại đối sách trong tiến trình từng bước hạn chế đô la hoá. Chúng ta phải khẳng định, chính sách chống đô la hoá đã thành công, nhờ đó vị thế đồng Việt Nam vững mạnh hơn trong vòng 20 năm nay.
Tuy nhiên, trong tình thế này, cần điều chỉnh liều lượng (lãi suất) bao nhiêu đó. Có thể, người dân không nên gửi ngoại tệ nhưng với doanh nghiệp xuất nhập khẩu có nguồn thu ngoại tệ thì các tổ chức tín dụng cần xem xét cơ chế tỷ lãi suất nào đó để duy trì được lượng vốn ngoại tệ gửi vào ngân hàng làm cho tỷ lệ đô la hoá tăng lên.
Tăng cung, giảm cầu
Xin ông giải thích rõ thêm quan điểm linh hoạt tháo gỡ chính sách chống đô la hóa?
Để giải quyết những vấn đề căng thẳng trên thị trường ngoại hối, có một kinh nghiệm là tăng cung và giảm cầu. Đáp ứng cầu ngoại hối không phải bằng hành động bán ngoại hối mà bằng hành động cho vay ngoại hối. Như vậy lượng mua sẽ ít đi. Người ta sẽ đặt câu hỏi là, mua hay vay ngoại hối thì nguồn ngoại hối đó đều là của nền kinh tế này, có khác nhau gì đâu mà lại đề xuất như thế?
Nhưng tôi xin lý giải. Dưới góc độ quốc gia, đây là ngoại tệ của Việt Nam để thanh toán cho nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, dưới góc độ cấu trúc của thị trường ngoại hối và nguồn lực của thị trường ngoại hối thì quan hệ này hoàn toàn khác nhau.
Khi ngân hàng thương mại huy động được lượng ngoại tệ qua mức lãi suất phù hợp, thì họ cân đối giữa nguồn huy động và cho vay.
Vì thế, cần linh hoạt điều chỉnh chính sách chống la hoá bằng công cụ lãi suất để tăng cung. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại vẫn có thể cam kết với doanh nghiệp (gửi đô la), nếu trường hợp anh không có ngoại tệ tới đây thì tôi sẽ bán cho anh theo tỷ giá đã được định trước theo một mức nào đó. Nghĩa là phát ra tín hiệu xu hướng của tỷ giá hối đoái để người ta có thể dự báo được. Điều này giúp tạo lập niềm tin vững chắc cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông có gợi ý thêm điều gì hay không?
Có nhiều cơ chế tỷ giá. Phương Tây thực hiện cơ chế thả nổi tỷ giá; một số quốc gia áp dụng cơ chế cố định tỷ giá. Việt Nam lựa chọn cơ chế thả nổi có điều tiết, tức là Ngân hàng Nhà nước cầm trịch tỷ giá trung tâm có điều tiết, biên độ tăng lên hay giảm xuống là do tôi.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần trách các cú sốc và cần tham chiếu lý thuyết ransom walk (lí thuyết bước đi ngẫu nhiên của tỷ giá). Các bước đi được thực hiện tự nhiên nhưng ra vẻ ngẫu nhiên dù vẫn đến đích đó. Cách thức đó hơn hẳn việc đi thẳng băng đến đích.
Tư Giang - Lan Anh