Là một trong 3 xã được lựa chọn thí điểm thực hiện mô hình chuyển đổi số cấp xã từ cuối năm 2020, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, đến nay xã Hà Sơn, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đã đạt được những kết quả nhất định. Từ kết quả của chuyển đổi số đã tạo nền tảng xây dựng nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

Phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2023, xã Hà Sơn đã lựa chọn thôn Chí Phúc để xây dựng thôn thông minh theo đúng quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu có ít nhất một mô hình thôn thông minh. 

Nhận thức đây là mô hình hay, phù hợp xu thế tất yếu của thời đại 4.0, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của cấp ủy, chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… xã Hà Sơn đã bắt tay vào thực hiện, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. 

Đến nay, thôn Chí Phúc đã được nâng cấp hệ thống hạ tầng mạng, tăng cường việc giao tiếp với người dân thông qua các nhóm Zalo, lắp đặt hệ thống camera an ninh, hệ thống truyền hình trực tuyến tại nhà văn hóa thôn...

Nhờ có trang thông tin điện tử và các nhóm Zalo chung trên điện thoại mà thông tin chỉ đạo của xã được các thôn cập nhật nhanh chóng, chính xác. Sau đó, thôn sẽ thông báo đến bà con nhân dân qua nhóm Zalo, hệ thống loa truyền thanh để bà con nắm bắt và thực hiện kịp thời các chủ trương, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.

anh chup man hinh 2023 12 06 luc 100152.png
Truyền thanh thông minh ở Thanh Hoá.

Hướng tới xây dựng thông minh trong tương lai, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) đã có nhiều nỗ lực thực hiện chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực từ cấp xã đến cấp thôn. Được biết, gần 2 năm qua, xã đã xác định và thực hiện 3 trụ cột trong chuyển đổi số, gồm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Trong điều hành hoạt động và triển khai các nhiệm vụ của chính quyền địa phương, đến thời điểm hiện tại, 100% cán bộ, công chức xã đã được cấp tài khoản và sử dụng phần mềm xử lý công việc. Hiện 100% văn bản đến và đi của xã đều được xử lý trên môi trường mạng. Tất cả các thủ tục hành chính đủ điều kiện đều được giải quyết trực tuyến ở mức độ 4. 

Hiện các thủ tục hành chính được niêm yết theo quy định tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, được công khai trên Trang thông tin điện tử “vanson.trieuson. thanhhoa.gov.vn”. Từ đó, đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền xã, góp phần giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính và giao dịch của các tổ chức, công dân, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Trong lãnh đạo điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của địa phương, xã Vân Sơn đã chọn ứng dụng Zalo để chỉ đạo điều hành từ cấp ủy đến ủy ban và cán bộ thôn. Mỗi nhóm Zalo có hàng chục thành viên tương tác và triển khai các công việc, như: Nhóm cán bộ, công chức 36 thành viên, Nhóm bí thư chi bộ và trưởng thôn 33 thành viên, Ban chỉ đạo chuyển đổi số 75 thành viên, Nhóm an ninh - trật tự 31 thành viên... 

Đến nay, Vân Sơn đã xây dựng được 2 phòng họp trực tuyến kết nối với hệ thống hội nghị của huyện, tỉnh và Trung ương. Trong đó, hội trường UBND xã có quy mô 300 chỗ ngồi và khu làm việc công sở xã có quy mô 50 chỗ ngồi. Những hội nghị trực tuyến toàn quốc hay học nghị quyết của tỉnh gần đây hạ tầng kỹ thuật và phòng họp của xã đều đáp ứng được.

Trong lĩnh vực kinh tế, việc chuyển đổi số cũng có những bước chuyển tích cực. Xã Vân Sơn định hướng đưa công nghệ thông tin, các tiến bộ khoa học để áp dụng xây dựng quy trình sản xuất minh bạch, quản lý từ khâu nhập khẩu giống, sản xuất đến bán hàng. 

Điển hình như trang trại nuôi lợn của ông Lê Duy Thanh ở thôn 3 với quy mô 5.000 con, hiện được lắp hệ thống cảm biến tự động điều chỉnh nhiệt độ bằng điện thoại thông minh. Trang trại cũng được lắp đặt hệ thống cung cấp thức ăn tự động đến từng ô nuôi để cho lợn ăn theo giờ đã định. Hệ thống camera theo dõi đàn vật nuôi được lắp đặt đến từng ô chuồng giúp chủ trang trại điều chỉnh lượng thức ăn và nước uống phù hợp. Việc áp dụng công nghệ số vào chăn nuôi đã giúp chủ trang trại giảm được số lao động thường xuyên từ hơn 10 người xuống còn 3 người như hiện nay, đồng thời ngăn ngừa được nguy cơ nhiễm bệnh, giảm chi phí, tăng thêm lợi nhuận.

Nhiều trang trại khác cũng đã áp dụng công nghệ số như mô hình canh tác trong nhà lưới ở thôn 1 của bà Nguyễn Thị Ngoan với hệ thống tưới nước tự động, phát triển thị trường sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử.

Tại xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, chuyển đổi số đã giúp 70% số người trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến. 

Trước đó, xã đã chủ động phối hợp với VNPT Thanh Hóa và Bưu điện tỉnh để cài đặt, hỗ trợ hướng dẫn cho nhân dân sử dụng các dịch vụ qua mạng Internet. Đến nay, cả 6/6 thôn trong xã đều được trang bị máy tính, hạ tầng truyền Internet và sử dụng wifi miễn phí tại khu vực nhà văn hóa thôn. Gần 60% số người trong độ tuổi lao động của xã Thiệu Trung có tài khoản và được yêu cầu thanh toán tiền điện, nước, dịch vụ thu gom rác, giao dịch ngân hàng, đóng học cho con... qua tài khoản. Vừa qua, xã đã được Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá là điển hình đi đầu của tỉnh về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện còn nhiều địa phương triển khai chương trình chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, tiêu biểu như xã Đông Văn và Đông Khê, huyện Đông Sơn. Hệ thống camera an ninh, các tiến bộ khoa học theo hướng chuyển đổi số áp dụng trong sản xuất... cũng được triển khai ở hàng trăm xã trong tỉnh. 

Theo đại diện lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hoá, sau các nấc thang nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu sẽ là nông thôn mới thông minh. Hiện Thanh Hóa đã có những bước đi đầu tiên để hưởng ứng và đã đạt được những kết quả ban đầu. Đây là cơ sở quan trọng, là tiền đề để tạo sự lan tỏa, nền tảng cho thực hiện chương trình trong giai đoạn tới.

Thúy An và nhóm PV, BTV