XEM CLIP:
Theo các vị cao niên trong làng, lễ hội cầu ngư ở vùng Diêm Phố xưa (nay là xã Ngư Lộc) xuất hiện từ thời Lê. Trải qua nhiều thế kỷ, lễ hội này vẫn được nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị.
Với người dân Ngư Lộc, đây là lễ hội lớn nhất trong năm. Đồng thời, cũng là lễ hội lớn nhất và đặc trưng nhất vùng ven biển xứ Thanh, được tổ chức thường xuyên hằng năm vào các ngày từ 22 đến 24/2 Âm lịch.
Theo người dân địa phương, việc làm Long Châu là quan trọng nhất, vì đây là vật thiêng dùng để cúng tế chính trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.
“Long Châu” là một chiếc thuyền rồng, được làm bằng luồng, nứa, giấy màu, xốp. Chiếc thuyền hình rồng, mô phỏng chức năng và quyền lực của các thần vùng sông biển. Cùng với đó là những lễ vật cùng với lời thỉnh nguyện của người dân, mong phù hộ cho họ trong cuộc sống trên biển khơi.
Thông lệ, sáng 21/2 Âm lịch, các đền, chùa ở trong xã đều lần lượt được mở cửa, bắt đầu các thủ tục thắp hương dâng lễ.
Đến sáng 22/2, các đội tế, phường bát âm, phường khiêng kiệu, các bản hội, hội đồng kỳ mục, các chức sắc trong làng… có mặt tại đền Thánh Cả làm thủ tục rước kiệu. Kiệu được rước đến Trung tâm văn hóa xã làm lễ tế cầu mát, cầu an.
Lễ hội diễn ra đến chiều ngày 24/2 thì kết thúc bằng lễ hóa tiễn Long Châu về biển.
Trong các ngày diễn ra phần lễ, song song với đó là phần hội, sôi động với nhiều trò diễn như: Trò câu mực, thi đan lưới, thi hò đối, thi đánh cờ người...
Lễ hội cầu ngư có ý nghĩa rất lớn về mặt tâm linh, văn hóa vùng biển, nhất là với người dân Ngư Lộc, do đó thu hút hàng vạn người đến tham gia.
Lễ hội cầu ngư xã Ngư Lộc được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ ngày 11/9/2017. Đây được xem là lễ hội cầu ngư lớn nhất ở tỉnh Thanh Hóa.
Một số hình ảnh về lễ hội cầu ngư ở Thanh Hóa: