Liên tiếp xảy ra đuối nước
Theo cơ quan chức năng, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 16 vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Đây là con số đáng báo động.
Gần đây, khoảng 17h ngày 22/6, 3 thiếu niên gồm T.T.Đ. và T.V.H (SN 2007, trú thôn Bắc Sơn, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa) và T.N.P.T. (SN 2011, trú quận Hoàng Mai, Hà Nội) xuống tắm biển ở khu vực thôn Xuân Phụ. Trong lúc tắm, không may cả 3 cháu bị sóng biển cuốn mất tích. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã phối hợp tìm kiếm và đưa thi thể các nạn nhân lên bờ.
Trước đó, khoảng 15h ngày 23/4, một nhóm học sinh lớp 8 Trường THCS thị trấn Thường Xuân (huyện Thường Xuân) rủ nhau ra khu vực sông Nông chơi, tắm mát. Trong lúc tắm, nam sinh L.G.M. không may trượt chân vào vùng nước sâu mất tích. Sáng hôm sau, thi thể nam sinh mới được tìm thấy.
Ngày 5/4, vào khoảng 16h30, em V.K.H. (học lớp 3) và em V.T.M.P. (học lớp 2) rủ nhau ra suối Xim, khu phố Piềng Mòn, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát chơi. Cuối giờ chiều, người dân phát hiện thi thể các em dưới suối, nên lập tức báo với chính quyền. Sau đó, thi thể hai em được bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Chiều 1/4, một nhóm bạn (khoảng 10 người) vào khu vực hồ sông Mực (thuộc Vườn quốc gia Bến En) nằm trên địa bàn xã Bình Lương, huyện Như Xuân vui chơi. Trong lúc chèo thuyền ra hồ, thuyền bị thủng, chìm dần. Do không biết bơi nên em N.V.T. (SN 2006, trú thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân) bị đuối nước dẫn đến tử vong.
Chiều 31/3, tại bãi biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn) nhóm học sinh rủ nhau ra tắm, một học sinh lớp 9 không may bị nước cuốn ra xa và bị đuối nước thương tâm.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Để bảo đảm an toàn cho trẻ, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa có nhiều văn bản tăng cường thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em. Đồng thời, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ… thường xuyên cảnh báo về các khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa, lực lượng công an các cấp đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền đến tận hộ gia đình nâng cao ý thức phòng, chống tai nạn đuối nước. Tuyên truyền cho các hộ gia đình tăng cường quản lý con em mình, tuyệt đối không được tắm dưới sông hồ khi không có sự giám sát, quản lý của người lớn.
Ngoài ra, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng thường xuyên hướng dẫn kỹ năng, biện pháp phòng tránh và cách xử lý khi gặp tai nạn đuối nước. Phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương mở các lớp dạy bơi cho trẻ em, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết để không bị đuối nước.
Bà Dương Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Thanh Hóa) cho biết, trong các tiết học kỹ năng sống của nhà trường, giáo viên cũng lồng ghép tuyên truyền, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh.
Theo bà Hà, vào các dịp nghỉ lễ, nhất là vào kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình sẽ tổ chức cho con đi nghỉ mát, tắm biển. Các em học sinh cũng rủ nhau đi tắm mát ở sông, suối, ao, hồ... nên nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước là rất cao.
Tai nạn xảy ra đối với trẻ lớn tuổi do bản tính hiếu động, tò mò, còn trẻ nhỏ thì thường do tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình.
Ngoài ra, môi trường sống xung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ gây nên tai nạn như: Chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm…
“Để phòng tránh đuối nước hiệu quả, ngoài việc tuyên truyền trong nhà trường, chúng tôi còn phối hợp với các trung tâm về trường làm bể bơi lưu động dạy bơi cho học sinh. Trước kỳ nghỉ hè, nhà trường đã mời một đơn vị có chức năng về trường tuyên truyền kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh toàn trường, để các em có một kỳ nghỉ hè an toàn”, bà Hà chia sẻ.
Trước thực trạng trên, ngày 26/6, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký công điện khẩn về tăng cường phòng, chống tai nạn đuối nước, bảo vệ an toàn cho trẻ em trên địa bàn.
Theo đó, Chủ tịch tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước trẻ em.
Yêu cầu lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước trẻ em. Tập trung triển khai ngay các giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Điều tra, xác minh nguyên nhân các vụ tai nạn, thương tích gây tử vong đối với nhiều trẻ em hoặc có tính chất nghiêm trọng và xử lý nghiêm minh tổ chức, cá nhân vi phạm.