Có ý kiến nêu, Luật này chỉ quy định về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp Nhà nước, còn ở các loại hình doanh nghiệp khác thì dẫn chiếu đến pháp luật về lao động. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Trước hết, phải thống nhất nhận thức, dân chủ và thực hiện dân chủ ở Việt Nam là thống nhất ở các loại hình cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp; là luật về thực hiện dân chủ chung, ở đâu cũng phải thực hiện dân chủ theo Luật này, bên cạnh các luật chuyên ngành khác.
Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị.
Pháp luật đã thống nhất điều chỉnh các loại hình doanh nghiệp trong một đạo luật chung là Luật Doanh nghiệp. Ngay cả trong các loại hình doanh nghiệp, mặc dù có sự khác biệt liên quan đến sở hữu vốn, tài sản, nhưng trong mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động về thực hiện dân chủ ở cơ sở thì không có sự khác biệt. Do vậy, nếu không quy định trong luật chung này, có thể dẫn đến hiểu nhầm là ở doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước thì không phải thực hiện dân chủ.
Việc bổ sung các quy định về thực hiện dân chủ ở các loại hình doanh nghiệp khác là cần thiết, nhằm bảo đảm việc thực hiện dân chủ của người lao động thực chất hơn, khả thi hơn, không chỉ giới hạn trong việc bảo đảm thực hiện quan hệ lao động mà còn mở rộng hơn với tư cách là công dân tham gia quản lý xã hội. Quy định như vậy sẽ tạo cơ sở cho việc thực hiện thống nhất, đồng bộ pháp luật về thực hiện dân chủ ở tất cả các loại hình cơ sở.
Trong quá trình thảo luận, không ít đại biểu Quốc hội quan ngại việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước có thể chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với công đoàn cơ sở?
Việc thành lập này sẽ không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của công đoàn cơ sở.
Công đoàn cơ sở có nhiệm vụ chủ yếu là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Còn Ban Thanh tra nhân dân có các quyền như kiểm tra, giám sát, kiến nghị, xác minh vụ việc… Ban Thanh tra nhân dân giúp phát huy quyền làm chủ của người lao động thông qua Công đoàn trong tham gia quản lý kinh tế - xã hội (Điều 10 Hiến pháp), có thể phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác của doanh nghiệp ngoài quan hệ lao động như doanh nghiệp trốn thuế, chuyển giá, sản xuất hàng giả…
Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước còn nhiều hạn chế hơn so với doanh nghiệp Nhà nước. Với vai trò, trách nhiệm, Ban Thanh tra nhân dân có thể phát hiện sớm những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để cảnh báo, đề xuất, kiến nghị với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, qua đó góp phần bảo đảm quyền dân chủ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Theo ông, việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước có làm tăng chi phí cho doanh nghiệp?
Dự thảo Luật cũng giao Bộ Tài chính hướng dẫn về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí về thực hiện dân chủ ở cơ sở và kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.
Về kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, tôi cho rằng cả công đoàn và chủ doanh nghiệp sẽ cùng chia sẻ. Nếu hỗ trợ một phần kinh phí người lao động được tôn trọng, phát huy khả năng sáng tạo, quan hệ lao động ổn định, hài hòa, tiến bộ, doanh nghiệp phát triển hơn, người lao động có thu nhập cao hơn, thì đó là khoản chi phí rất cần đầu tư.
Luật Thực hiện dân chủ tại cơ sở (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4. |