"Và mỗi năm, khi giao thừa con hiểu rằng lúc thắp nhang rước ông bà về với gia đình, bao nhiêu năm nay còn có cả ba với má về chơi với con, lắng nghe tiếng con trai út thì thầm nhỏ to tâm sự", NSƯT Thành Lộc viết.
Hôm Sài Gòn đổ cơn mưa đầu tiên, mưa lớn, là hôm tôi chạy đi tìm Lộc sau nhiều ngày nghĩ tới em. Tôi muốn gặp, muốn trò chuyện mà thấy ngại. Biết Lộc đang buồn lắm, mình tới an ủi, hỏi han, khuyên can… có lạc điệu, vô duyên?
Gặp Thành Lộc rồi, tôi thấy lòng thêm ngổn ngang nên không viết gì. Cho đến hôm nay tôi lấy máy ra gõ vội mấy dòng.
Tôi vẫn nhớ, chiều hôm tôi đi tìm Lộc, Sài Gòn đang nóng như nung, bỗng trời trở màu xám buồn, không khí năng nề ủ ê khiến lòng tôi càng nặng nề.
Gặp Lộc, thấy vẻ mặt Lộc bình thản, không vui không buồn, thật là không biết mở lời sao... Ngồi im nghe Lộc nhắc tới lần mới đây đi thăm mộ cụ Cao Văn Lầu, thấy nơi này đã hình thành một nhà bảo tàng đẹp, trang trọng. Khi nghe lại bài hát gốc của cụ, đúng bản gốc nguyên chất không có thêm thắt tự tiện là Lộc và bà chị Diệu Đức mừng ôm nhau khóc rưng rức...
Nghe Lộc kể chuyện bà bảy Phùng Há dạy học trò nghiêm khắc ra sao, chuyện tập Ngày xửa ngày xưa (NXNX) thế nào… Tôi thầm nghĩ, thế này thì Lộc bỏ nghề sao nổi.
Tập tuồng. Tôi đã từng nghe một nghệ sĩ nổi tiếng nói rằng khi diễn thì anh ta chỉ dụng 50% thành công lực để dưỡng sức. Còn Lộc, tôi biết khi tập Lộc dụng tới 100% sức và khi diễn, đêm nào, vai nhỏ vai lớn, anh đều diễn tới 150 hay 200% sức lực. Đó là điều tôi nghĩ không lay chuyển về cách Lộc làm nghề.
Có lần sau khi xem Lộc diễn Dạ cổ Hoài Lang, em hỏi tôi nghĩ sao về vở diễn, tôi chỉ nói thấy hay, mà không đành lòng nói thật (hơn nữa, nói thật nghe kỳ lắm, sợ… xui nữa) rằng xem diễn, cứ sợ Lộc chết thôi. Vì diễn hết sức hết lòng rút ruột vậy thì... tự dưng tôi đâm lo cho Lộc.
Cả một đời, 26 năm Lộc sống chết với sân khấu đó, mà nay phải ra đi. Đau lắm chứ! Một lát, thấy Lộc tươi tỉnh cười khi tả lại cách bà bảy Phùng Há dạy các cô đào về cách ngồi sao cho đẹp, rồi Lộc đột nhiên đứng dậy thị phạm.
Lúc này, tôi hỏi: "Lộc ơi, nghe nói Lộc vẫn sẽ diễn cho Idecaf vở NXNX, phải không?". Lộc gật đầu: "Dạ em sẽ diễn tiếp chị".
Tôi sẵn trớn nói luôn: "Rồi em sẽ gặp những gia đình đi xem anh Lộc, chú Lộc và các bạn diễn NXNX. Ba má xem 20 năm trước, nay cả nhà ríu rít dẫn nhau đi xem tiếp, cảm động lắm em, đừng bỏ nha Lộc. Chị ước gì em hứa với đám khán giả trẻ con là em không bao giờ bỏ NXNX".
Lộc châm chén trà nguội cho tôi thật đầy và gật đầu: "Em sẽ cố gắng theo đuổi nó, không bỏ đâu chị. Còn tiếp tục ở sân khấu đó thì...".
Lộc chỉ chén trà đang đầy, ví dụ: "Có ai đó hất chén nước này xuống đất rồi giờ muốn hốt lại thì sao hốt được nữa chị?".
Trời ngớt mưa, tôi ra về. Thôi thì cũng được nghe một lời hứa Lộc sẽ không bỏ NXNX. Tôi nghe loáng thoáng trong câu chuyện, anh sẽ làm một series trò chuyện với trẻ con để cùng với những bạn bè quan tâm tới giáo dục. Qua chuyện kể mà họ sẽ chỉ dạy đám nhỏ những gì đời thường nhất mà chúng cần biết, cần hiểu và tự rèn mình.
Chuyện Lộc sẽ đứng trên sân khấu tiếp tục nữa hay không và sẽ như thế nào, tôi chưa biết. Nhưng nghe Lộc vẫn gắn bó với NXNX là tôi biết rõ rằng người đó không cắt trái tim ra khỏi lồng ngực mình được đâu. Người không làm đơn xin được tặng danh hiệu NSND đó, vẫn cứ là một chú Lộc rất nhớ và thương của bao lớp khán giả nhí, vẫn là một Thành Lộc công dân có trách nhiệm, một Thành Lộc nghệ sĩ được quý trọng trong từng ngày làm nghề, từng ngày sống tử tế.
Tôi vẫn chưa nói với Lộc là khi xem Lộc diễn, cứ sợ… em chết. Ý nghĩ vô duyên đó, có ai nghĩ như tôi không? Và tôi càng không muốn Lộc “chết” với nghề, cái nghề lao khổ năng nhọc Lộc đã dốc cạn sức lực với nó từ bé thơ đến tận bây giờ.
Lộc ơi, đừng bỏ sân khấu! Đừng bỏ nghề!
Nhà báo Kim Hạnh