Những doanh nghiệp uy tín, có báo cáo tài chính minh bạch, có kiểm toán độc lập được xem là lựa chọn an toàn hàng đầu cho các nhà đầu tư. 

Mạch máu của nền kinh tế

Thị trường vốn nói chung và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nói riêng từ lâu được xem như là mạch máu của nền kinh tế, nhất là tại một quốc gia đang phát triển với nhu cầu lớn về nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh như Việt Nam.   

Tuy vậy, thị trường TPDN tại Việt Nam còn khá non trẻ. Nguồn vốn huy động được từ kênh này còn rất nhỏ so với tổng nhu cầu vốn của doanh nghiệp. 

Báo cáo của SSI cho biết, tổng giá trị phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam năm 2021 đạt 723 nghìn tỷ đồng. Theo đó, quy mô thị trường TPDN tăng bình quân 46%/năm trong 5 năm gần đây và đã chiếm 16,6% GDP. Dù vậy, thị trường TPDN Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP).

“Chúng ta còn nhiều tiềm năng để phát triển thị trường TPDN”, TS. Cấn Văn Lực đánh giá. 

Cũng theo báo cáo của SSI, trong tổng cơ cấu phát hành TPDN, bất động sản đang chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 44% trong năm 2021. Điều này, theo các chuyên gia, hoàn toàn dễ lý giải bởi được coi là “đầu kéo” của nền kinh tế, BĐS chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong GDP, hiện đóng góp khoảng 7,62%. 

“Trái phiếu cho BĐS cũng đồng thời là đòn bẩy cho hơn 40 ngành kinh tế quan trọng khác, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, xi măng, sắt thép, du lịch, tài chính - ngân hàng...”, một chuyên gia phân tích. 

Tại Hội nghị “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế” do Chính phủ tổ chức ngày 22/4/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết do thị trường TPDN ở Việt Nam còn rất nhỏ nên doanh nghiệp đang phải dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng. Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn, chiếm tới 82%.

“Do đó, việc thị trường TPDN phát triển minh bạch, hiệu quả giúp cân bằng, hài hòa theo hướng vốn ngắn hạn, doanh nghiệp sẽ dựa vào hệ thống ngân hàng, vốn trung dài hạn dựa vào thị trường vốn. Doanh nghiệp cũng chủ động hơn trong việc đầu tư, sản xuất kinh doanh với nguồn vốn trung dài hạn”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh. 

Thị trường đang được lành mạnh hóa

Cũng tại Hội nghị ngày 22/4, Luật sư Trương Trọng Nghĩa dẫn trường hợp của FLC và Tân Hoàng Minh để chỉ ra một thực tế không phải là mới khi thị trường vốn phát triển nóng và có sự lơi lỏng kiểm soát. Việc xử lý FLC và Tân Hoàng Minh là nghiêm minh, song Luật sư Trương Trọng Nghĩa đánh giá đây chỉ là những trường hợp cá biệt. 

“Tân Hoàng Minh và FLC không đại diện cho tất cả các doanh nghiệp trên thị trường. Do đó, việc thắt chặt huy động vốn tín dụng thông qua thị trường cổ phiếu và trái phiếu về mặt chính sách là chưa cần thiết. Thị trường sẽ tự điều chỉnh”, ông Nghĩa phân tích. 

Nhìn từ khía cạnh tích cực, nhiều chuyên gia đồng quan điểm việc cơ quan quản lý ra tay “lập lại trật tự” của thị trường TPDN thời gian qua chính là động thái thanh lọc để lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ số đông các doanh nghiệp làm ăn tử tế và các nhà đầu tư chân chính. Đặc biệt, Chính phủ cũng nêu quan điểm nhất quán: xử lý nghiêm và quyết liệt những hành vi sai trái để bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế.

Cũng nhằm bảo vệ các nhà đầu tư, các chuyên gia kiến nghị cần khuyến khích sự hình thành và phát triển của các công ty xếp hạng tín nhiệm. Tiến hành xếp hạng tín nhiệm độc lập sẽ giúp đánh giá chính xác “sức khỏe” từng doanh nghiệp, tránh được tình trạng “vàng thau lẫn lộn”. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc xếp hạng tín nhiệm một mặt giúp bảo vệ các nhà đầu tư, mặt khác giúp doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, có dự án tốt, có kế hoạch sử dụng nguồn tiền rõ ràng huy động được vốn với chi phí thấp.

Để trái phiếu không biến thành “trái đắng” chuyên gia tài chính cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần biết chọn mặt gửi vàng doanh nghiệp và tổ chức đại diện phát hành. Đơn cử, lĩnh vực đang chiếm tỷ trọng TPDN lớn nhất là bất động sản, mức độ an toàn, tin cậy sẽ lớn hơn nếu đó là trái phiếu của các doanh nghiệp đã niêm yết, có công bố thông tin thường xuyên và bắt buộc.  

“Nhà đầu tư nên lựa chọn mua trái phiếu của những doanh nghiệp hàng đầu, có báo cáo tài chính minh bạch, có kiểm toán độc lập, thông qua các tổ chức tài chính đầu ngành đã có lịch sử phát triển bền vững”, bà Bùi Thị Thu Hà, Giám đốc cao cấp Tư vấn và Kinh doanh CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS), khuyến nghị. 

Trước tình trạng cạnh tranh lãi suất, nhiều nhà đầu tư dễ bị hấp dẫn bởi những lời hứa hẹn “có cánh” của doanh nghiệp mà bất chấp rủi ro, bà Thu Hà cảnh báo nhà đầu tư không nên ham lãi suất cao mà nên cân đối giữa lợi nhuận và rủi ro. Thông thường lãi suất trái phiếu phát hành bởi những tổ chức phát hành uy tín chỉ cao hơn từ 1 - 2%/năm so với lãi suất tiết kiệm, nhưng đây là một sự lựa chọn an toàn, có bảo chứng cho nhà đầu tư. 

“Nhà đầu tư hãy dũng cảm bỏ qua những trái phiếu được chào lãi suất cao, những tổ chức chào bán không cung cấp thông tin trái phiếu đầy đủ vì đây là dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro lớn”, bà Thu Hà chia sẻ kinh nghiệm.    

 Ngọc Sơn

Cảnh báo quốc tế cho Việt Nam: Trái phiếu '2 không', rủi ro tiềm ẩnTăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu thông qua các đợt phát hành riêng lẻ, phần lớn không có tài sản bảo đảm và không được xếp hạng tín nhiệm, gây lo ngại về rủi ro tiềm ẩn.