Bệnh nhân vào khoa Ngoại thận Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Anh cho biết mình bị đau đột ngột vùng bìu phải từ trước khi vào viện 3 ngày, đau tăng dần, lan từ dưới bìu lên trên bụng. Lúc vào viện, anh vẫn đau nhiều.
Qua thăm khám lâm sàng và siêu âm Doppler tinh hoàn, anh được chẩn đoán xoắn tinh hoàn bên phải và chỉ định mổ cấp cứu.
Quá trình phẫu thuật, bác sĩ kiểm tra tinh hoàn phải tím đen, hoại tử do xoắn thừng tinh hai vòng theo chiều kim đồng hồ. Bác sĩ phải cắt bỏ tinh hoàn phải và cố định tinh hoàn bên trái.
Theo Thạc sĩ Nông Văn Thịnh, Khoa Ngoại thận Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, xoắn tinh hoàn là tình trạng bệnh lý diễn ra do thừng tinh bị xoắn quanh trục gây ra hiện tượng tắc nghẽn mạch máu nuôi xuống tinh hoàn dẫn đến hoại tử tinh hoàn nếu không được tháo xoắn kịp thời. Đây là tình trạng cấp cứu về mạch máu.
Nguyên nhân gây nên xoắn tinh hoàn chưa thực sự rõ ràng, có thể do sự bất thường của thừng tinh và tinh mạc bám cao làm cho tinh hoàn di động như quả lắc chuông, trong lúc tập luyện hay sinh hoạt hàng ngày gây nên xoắn tinh hoàn. Hiện tượng này xảy ra ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất từ 12-25 tuổi.
Triệu chứng gặp ở hầu hết các bệnh nhân là sưng và đau một bên bìu xuất hiện đột ngột, cơn đau tăng dần, xu hướng lan dọc lên trên, khi cầm đỡ tinh hoàn lên có cảm giác cường độ đau tăng lên.
Tiên lượng tình trạng xoắn tinh hoàn dựa vào hai yếu tố: thời gian xoắn và mức độ xoắn. Trong 6 giờ đầu tính từ lúc xuất hiện cơn đau bẹn bìu đầu tiên, cơ hội cứu được tinh hoàn là rất cao 90-100%; tỷ lệ này giảm đi theo thời gian (6-12 giờ còn 50%, 12-24 giờ là 20%, trên 24 giờ gần như phải cắt bỏ do hoại tử). Trường hợp này người bệnh vào viện ở ngày thứ 3, tinh hoàn đã hoại tử và phải cắt bỏ.
Bác sĩ Thịnh khuyến cáo xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa, bệnh nhân cần được can thiệp cấp cứu sớm. Do đó, khi có các triệu chứng đau đột ngột ở vùng bìu người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.