Theo Daily Mail, quanh thành phố Buritikupu là những hố sụt lớn như miệng núi lửa do ảnh hưởng của việc phá rừng gần khu dân cư đã làm suy yếu đất, gây khó khăn cho việc hấp thụ lượng nước dư thừa. Xói mòn đất dẫn đến sự hình thành những miệng hố sâu tới 70 mét và sạt lở đất có nguy cơ xóa sổ thành phố này trong vòng 30-40 năm tới.
Xung quanh Buritikupu đã có 26 hố sụt lớn dài hơn 300 mét, được hình thành do nạn phá rừng diễn ra trong nhiều năm. Năm nay, mưa lớn đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn khiến các nhà chức trách gọi đây là một “đại thảm họa”.
Các bức ảnh chụp từ trên không cho thấy các miệng hố sụt đã vươn tới tận vùng ngoại ô thành phố. Hơn 50 ngôi nhà đã bị phá hủy trong thập kỷ qua và trong 20 năm qua, bảy người đã chết vì rơi xuống khe núi.
Chính quyền và bộ phận dân phòng giám sát sự phát triển và xuất hiện của những hố mới trên mặt đất và tham gia vào việc di dời các gia đình. Thị trưởng Buritikupu, Joao Carlos, cho biết tình hình ngày càng khó khăn và hiện họ đang cố gắng áp dụng các giải pháp như bồi thường cho những người phải di dời, xây dựng các khu nhà ở mới và đẩy nhanh việc thoát nước.
Sự xuất hiện của các hố sụt ở Buritikupu bắt đầu từ những vết nứt trên mặt đất do nước mưa. Theo thời gian, các khe nứt này dần biến thành "miệng núi lửa khổng lồ". Nếu không có cây cối để củng cố mặt đất và liên kết lớp đất trên cùng, nước sẽ tiếp tục tích tụ ở những trũng, hở, làm xói mòn đất xung quanh.
Trước đây, Buritikupu được biết tới là một trong số những nơi phát triển mạnh các hoạt động du lịch sinh thái do hệ thống rừng và thực vật phong phú. Khu vực này bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn phá rừng, trong đó Buritikupu mất 41% diện tích cây che phủ từ năm 2000 đến năm 2020.
Nạn phá rừng ở Brazil đã khiến rừng nhiệt đới Amazon khó phục hồi hơn sau hạn hán, hỏa hoạn và sạt lở đất. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi trong sáu tháng đầu năm 2022, một khu vực rộng gấp năm lần thành phố New York của Mỹ đã bị xóa sạch. Đây cũng là con số cao nhất được ghi nhận trong sáu năm qua.
Theo Daily Mail